Ngày 8/6, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn "Hồ sơ thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO".

Tại hội thảo, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt nhấn mạnh, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước, Đà Lạt còn là nơi tập trung của hơn 20 dân tộc sinh sống, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng. Chính vì vậy, thành phố sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả âm nhạc.

Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt.

Theo ông Đặng Quang Tú, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc 130 năm hình thành và phát triển của thành phố. Vì vậy, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó đẩy mạnh công nghiệp văn hóa về âm nhạc của địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ là hành trình đi tìm lời giải cho 3 câu hỏi lớn: Tại sao Đà Lạt nên gia nhập UCCN? Cơ hội và thách thức cho Đà Lạt? Làm thế nào để gia nhập UCCN?

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực “hiến kế” cho "thành phố ngàn hoa” này. 

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, thành phố Đà Lạt cần chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong quá trình phát triển ngành công nghiệp âm nhạc địa phương và hội nhập quốc tế. 

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, mặc dù sở hữu di sản văn hóa cồng chiêng đặc sắc cùng kho tàng đồ sộ các ca khúc viết về thành phố nhưng Đà Lạt cần phải phát triển nhiều thể loại trong đó có các ca khúc cổ điển. 

Nhạc sĩ Quốc Trung

Cùng quan điểm, nhạc sĩ Quốc Trung mong Đà Lạt phải coi công nghiệp âm nhạc đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nhà sáng lập Monsoon Festival cũng chia sẻ về ý tưởng một thành phố Đà Lạt “không còi xe” nơi mọi người có thể lắng nghe những âm thanh của cuộc sống và thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn hơn. 

Bên cạnh các ý kiến từ Việt Nam, hội thảo còn có sự tham gia của hai chuyên gia quốc tế đến từ hai thành phố âm nhạc UNESCO là Daegu (Hàn Quốc) và Belfast (Bắc Ai-len). Bà Inkyoung Kim - Trưởng ban Hợp tác quốc tế về văn hóa, chính sách văn hóa và nghệ thuật thành phố Daegu và bà Charlotte Dryden - Giám đốc điều hành của trung tâm âm nhạc Oh Yeah Music tại Belfast chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực không chỉ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ của Đà Lạt mà còn cả việc triển khai các cam kết với UNESCO sau khi thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới. 

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế cho biết sẽ cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ thành phố Đà Lạt trong quá trình chuẩn bị, nộp hồ sơ và sau đó là triển khai các cam kết với UNESCO sau khi thành phố Đà Lạt tham gia Mạng lưới.

Bà Nguyễn Phương Hòa cũng đưa ra một số kiến nghị cho thành phố như chính quyền cần tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của các cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nghệ sĩ, khơi gợi niềm tự hào và sức sáng tạo cống hiến của mỗi người Đà Lạt...