Sau 11 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn ở Bến Tre có việc làm sau học nghề tăng cao. Qua đó, giúp lao động nông thôn có thêm sinh kế, tăng thu nhập, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

W-daynghe.png
Xưởng dạy nghề của làng trẻ em SOS tỉnh Bến Tre

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bến Tre tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 7.500 lao động nông thôn; ưu tiên đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bến Tre đã đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thông giai đoạn mới, trong đó chú trọng đào tạo nghề đi đôi với giải quyết công ăn việc làm; lồng ghép đào tạo nghề với hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất để sau khi học nghề. Về lâu dài, Bến Tre tăng cường hoạt động liên kết giữa các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề, cơ sở đào tạo. Ðồng thời,  Bến Tre xây dựng chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ, các nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình đào tạo nghề. Đề án Đào tạo nghề lao động nông thôn của tỉnh cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng, kiến thức, kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền rừng.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, sau học nghề, lao động nông thôn nắm bắt được kiến thức, công nghệ mới, tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Cụ thể, có trên 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất; hơn 80% học viên có việc làm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giúp tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,62%/năm.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, hạn chế trong công tác đào tạo nghề nông thôn tại địa phương là số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp hoạt động trên địa bàn còn khiêm tốn nên việc đặt hàng, phối hợp đào tạo và gắn kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đa số giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn là giáo viên thỉnh giảng hoặc giáo viên giảng dạy với hình thức truyền nghề nên việc biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình còn gặp khó khăn. Việc tổ chức dạy nghề nông nghiệp chưa phù hợp với thời vụ, chu trình phát triển của cây trồng, vật nuôi...

Thời gian tới, địa phương sẽ sắp xếp, tổ chức mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, năng lực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh tập trung đào tạo các ngành nghề thuộc các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ... Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, khu vực, vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động.

Bến Tre cũng xác định đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hình thành hệ thống đào tạo đa dạng phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên, người lao động.

Anh Phương và nhóm PV