Ở tỉnh miền Tây Nam bộ này, hàng chục hợp tác xã (HTX) đang ngày đêm cùng chính quyền tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, duy nhất Tri Tôn là huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, huyện Tri Tôn đã được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KTXH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản...

HTX An Phước Lộc, ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn được đánh giá là một trong những mô hình đi đầu trong việc phối hợp cùng chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho hàng chục thành viên, người lao động. Đáng nói, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, HTX đang “chung tay” cùng chính quyền xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Từ khi thành lập đến nay, HTX triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Cũng ở huyện nghèo Tri Tôn, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi được biết đến với thương hiệu “trái xoài Bến Bà Chi”, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Gần đây, HTX Bến Bà Chi đã ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ xoài với một doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

W-nong-nghiep-lao-cai-thach-thao-2-1.jpg

Tại nhiều địa phương, mô hình hợp tác xã đang góp sức cùng chính quyền tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

HTX đã thu hút 36 thành viên, là các nhà vườn trồng xoài ở 2 xã Lê Trì, Ba Chúc, với diện tích hơn 56ha, vốn góp của các thành viên đạt trên 700 triệu đồng. Để các thành viên trồng xoài đạt năng suất cao, HTX phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, tổ chức các hội thảo khoa học, các lớp tập huấn trên cây ăn quả. Đồng thời, triển khai ứng dụng 3 mô hình công nghệ cao do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.

Huyện cũng đang xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn. Hỗ trợ người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Đặc biệt, huyện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…

Nhờ những biện pháp đa dạng, An Giang đã giảm được 5.257 hộ nghèo và 6.918 hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo quốc gia năm 2022. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1-1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.

Bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo

Đối với chính sách hỗ trợ y tế, tỉnh thực hiện hỗ trợ và cấp gần 222.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn theo quy định.

Trong khi đó, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.101 người. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 21.552 người. Tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 213 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 9 địa phương trong tỉnh, với 263 lượt doanh nghiệp tham dự, thu hút gần 8.700 lao động tham dự.

Tại An Giang, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách người có công, dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và các chi phí khác. Năm 2023, gần 15.000 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt.

Các chính sách ưu đãi tín dụng xã hội hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh ưu tiên, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2023, giải ngân 234 tỷ đồng cho vay 3.459 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh, sinh viên; ước đến cuối năm 2023 giải ngân 697,2 tỷ đồng.