80% lao động có việc làm sau đào tạo

Hòa Bình thông tin các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh đang được đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo, các cơ chế, chính sách cho người học mở ra cơ hội học nghề, tạo việc làm cho nhiều đối tượng khác nhau. Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã triển khai các dự án phát triển GDNN vùng khó khăn, đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề. 

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho 2 cơ sở GDNN, tổng kinh phí trên 32,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển chương trình, học liệu với 23 bộ chương trình, tổng kinh phí gần 620 triệu đồng. Mặt khác, hỗ trợ phát triển mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua tổ chức tham quan, hướng nghiệp cho học sinh, tổng kinh phí 72 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.112 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, tổng kinh phí trên 16,6 tỷ đồng.

Năm 2023, các cơ sở GDNN toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo gần 19.600 người, đạt 116% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đa dạng, gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều lao động sau khi học nghề mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, làm giàu tại chỗ. Qua khảo sát, trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12,29% (năm 2022) xuống 9,79% (năm 2023). 

Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo

Xét riêng huyện Lạc Sơn, năm qua huyện chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật) và các nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động (may công nghiệp, hướng dẫn du lịch, kỹ thuật nấu ăn...). Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, huyện dành ngân sách khoảng 400 triệu đồng mở các lớp nghề. 

W-giamngheo-2.png

Đào tạo nghề giúp người dân có công việc ổn định, từng bước thoát nghèo. 

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 13 lớp nghề, hoàn thành việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề ngắn hạn cho 425 học viên. Hầu hết lao động nông thôn phát huy được nghề đã học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Các xã thuộc địa bàn huyện cũng có nhiều giải pháp, mô hình và cách làm sáng tạo trong hỗ trợ việc làm. Tại Vũ Bình, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, thú y cơ sở mở 2 lớp chăn nuôi gà tại chi hội xóm Cài với 30 hội viên tham gia. Đồng thời giới thiệu 200 lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện và cơ sở may Tuấn Thi trong xã; duy trì tốt tổ sản xuất rau an toàn tại chi hội xóm Sơ với 7 hội viên tham gia, hàng tháng cung cấp rau sạch cho các chợ và một số trường mầm non. 

Hội có nhiều mô hình tạo việc làm, thu nhập ổn định để chị em học hỏi, chẳng hạn chị Bùi Thị Miên (xóm Thóng) với mô hình trồng thanh long; chị Bùi Thị Giang (xóm Át) với mô hình trồng bí xanh, chị Bùi Thị Dinh (xóm Mè) chăn nuôi kết hợp trồng bí xanh...

Tại xóm Át, chị Bùi Thị Thi đã gây dựng được cơ sở may Tuấn Thi và thực hiện liên kết với đầu mối thu gom đơn hàng may thú nhồi bông cho chị em cùng làm. Bên cạnh tạo lợi nhuận cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương với mức lương 4-6 triệu đồng/người/ tháng, một số chị em  tay nghề cao có thể đạt thu nhập 10 triệu đồng/tháng.