Tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng cao

Bến Tre đã xây dựng thành công 50 danh mục nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với từng đối tượng lao động. Trong đó, có 32 nghề phi nông nghiệp như: kỹ thuật đan, xi măng giả gỗ, kỹ thuật nề, may công nghiệp, điện dân dụng, điện lạnh, nghiệp vụ du lịch nông thôn; 18 nghề nông nghiệp trồng cây có múi, chăn nuôi bò, heo, gà, cây kiểng, kỹ thuật trồng dừa… 

UBND tỉnh Bến Tre cho biết địa phương có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập ; 1 trung giáo dục thường xuyên có chức năng tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp được phân bố đồng đều giữa các địa phương.

Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 10.000 người, trong đó cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 8.000 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, có trên 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất; hơn 80% học viên có việc làm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giúp tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,62%/năm.

Tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre dự kiến sắp xếp, tổ chức mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, năng lực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

W-giamngheo-1.png
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Tỉnh Bến Tre sẽ phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho người học; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các ngành nghề được chú trọng đào tạo thuộc các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ... 

Bến Tre cũng xác định đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hình thành hệ thống đào tạo đa dạng phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên, người lao động.

Về trình độ đào tạo, tỉnh nỗ lực đến năm 2030, đạt khoảng 12.000 người/năm; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng: 1.500 người (chiếm 13%), trung cấp 2.000 người (chiếm 17%), trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.500 người (chiếm 70%). Theo ngành, nghề đào tạo, đến năm 2030: Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.080 người/năm, chiếm 34%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 3.600 người/năm, chiếm 30%; thương mại và dịch vụ đạt 4.320 người/năm, chiếm 36%.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề ở Bến Tre đã có những điểm hấp dẫn người lao động, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từng năm. Người lao động có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Hồng Khanh và nhóm PV