Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp

Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên cả nước luôn có diễn biến phức tạp. Số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn cũng như thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra có xu hướng gia tăng.

Trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra hàng nghìn vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại tài sản ước tính vài nghìn tỷ đồng.

chay HN.jpg
Vụ cháy lớn tại cửa hàng bán máy rửa xe trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) vào hôm 1/10.

Chỉ trong tháng 8/2024, cả nước đã xảy ra 312 vụ cháy, làm chết 1 người, làm bị thương 3 người, về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 10,6 tỷ đồng và 10,4ha rừng; xảy ra 5 vụ nổ, làm chết 4 người, bị thương 13 người...

Số vụ cháy vẫn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành thị với 193 vụ (chiếm 61,9%), nông thôn xảy ra 119 vụ (chiếm 38,1%).

Loại hình nhà dân xảy ra 93 vụ cháy (chiếm 29,8%); 39 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 12,5%); 26 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 8,3%) còn lại là các loại hình khác.

Trong số những vụ cháy nổ đã điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 80,7%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 11,2%.

Như vậy có thể thấy tác hại của các vụ cháy nổ rất khủng khiếp, không những gây ra chết người mà còn tác động, ảnh hưởng xấu về an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường sinh thái, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội như: ngừng trệ sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm.

Phát huy phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước có nhiều văn bản pháp lý thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy (PCCC), phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào sự nghiệp PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó, ngày 4/10 hằng năm được quy định là Ngày toàn dân PCCC. Ngày này có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia PCCC dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng chức năng nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động PCCC.

W-461144575_1594690241473944_7696191930579013078_n.jpg
 Hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC năm 2024, một tòa nhà văn phòng ở Hà Nội đã trưng bày những dụng cụ PCCC cơ bản, tại chỗ để mọi nhân viên đều có thể tìm hiểu.

Qua các tài liệu tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cũng đã cụ thể hóa vai trò của toàn dân trong các nguyên tắc PCCC, gồm: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; Trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra; Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả; Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Trên thực tế, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình hoạt động PCCC hiệu quả trong nhân dân như: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Nhà tôi "3 có"; Khu dân cư an toàn PCCC; Khu công nghiệp an toàn PCCC; Nhà tôi có bình chữa cháy; Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ"; Hiến đất mở rộng hẻm; Hộp thư PCCC; Phường, xã, thị trấn điểm an toàn PCCC; Mô hình 4 lớp về PCCC; Gia đình có ít nhất 2 lối thoát nạn và có bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn…

Điển hình trong số đó là mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC được sáng tạo từ thực tế công tác bảo đảm an toàn PCCC ở các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.

Tổ Liên gia an toàn PCCC được thành lập bởi 5 hộ dân cư liền kề nhau trở lên. Mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và 1 dụng cụ phá dỡ; lắp chuông, đèn cảnh báo cháy (nút trong nhà, 1 nút ngoài nhà). Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu và báo nhà bị cháy, sự cố. Mỗi thành viên trong các hộ gia đình đều được hướng dẫn các biện pháp PCCC, thoát nạn và cách sử dụng các dụng cụ, phương tiện PCCC.

Hiện nay, cả nước đã xây dựng 52.566 Tổ liên gia an toàn PCCC và 59.715 điểm chữa cháy công cộng. Nhiều vụ cháy xảy ra đã được các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, ngăn chặn được cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. 

Phong trào toàn dân PCCC phát triển lớn mạnh về chất và lượng, các lực lượng PCCC tại chỗ đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư. 

Cụ thể, toàn quốc đã thành lập 80.559 đội dân phòng trên tổng số 103.568 thôn (đạt tỷ lệ 77,7%) với 824.184 thành viên.

Về đội PCCC cơ sở, đã thành lập 325.087 đội trên tổng số 340.945 cơ sở thuộc diện phải thành lập đội PCCC cơ sở (chiếm 95,35%) với 2.321.061 thành viên.

Về đội PCCC chuyên ngành, đã thành lập 460 đội/ 634 cơ sở chuyên ngành (đạt tỷ lệ 72,5%), với 8.540 thành viên.

Ngoài ra, có 194 đội được thành lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; 19 đội được thành lập các cảng hàng không; 247/460 đội được thành lập tại các cơ sở như kho xăng dầu, công ty chế biến khí, dầu mỏ, công ty nhiệt điện...

Trong bài viết đăng trên trang thông tin của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH khẳng định: "Từ những nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, phong trào toàn dân PCCC và CNCH đã ăn sâu, bám rễ trong nhân dân, trở thành một bộ phận không thể thiếu của lực lượng PCCC và CNCH Việt Nam. Những hoạt động của phong trào toàn dân PCCC đã góp phần đắc lực kéo giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn sự cố gây ra, đóng góp vào thành quả chung của sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự, an sinh xã hội. Đây cũng là kết quả cụ thể của việc giữ vững lòng dân, xây dựng "Thế trận lòng dân" trong công tác PCCC & CNCH".

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta, thể hiện được tầm quan trọng của công tác PCCC.

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động PCCC, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng đã quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy".