Có thể co ngắn kỳ nghỉ hè

Dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh ở nhiều địa phương chưa thể đến trường trong thời gian dài. Nhiều trường đã phải hoàn tất chương trình năm học 2020 - 2021 và khai giảng năm học mới bằng hình thức trực truyến. Điều này khiến các giáo viên lo lắng, việc dạy online quá lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, trong tình huống học sinh vẫn phải tiếp tục ở nhà để học online do việc đến trường chưa thật sự an toàn, giáo viên cũng không nhất thiết phải nóng vội, “chạy chương trình”.

“Theo dự kiến, vào tháng 11, học sinh Hà Nội có thể được đi học trở lại. Như vậy, cô trò còn khoảng 7 tháng để hoàn thành chương trình năm học. Với tinh thần chương trình đã được tinh giản, chỉ tập trung vào nội dung cốt lõi, thời gian còn lại vẫn đủ để bù đắp, củng cố chương trình.

Còn đối với những địa phương như TP.HCM, phải đến tháng 1 năm sau, học sinh mới có thể quay trở lại trường học trực tiếp. Như vậy, các em đã mất hẳn một học kỳ. Nếu cần thiết, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT có thể kéo dài thời gian năm học sang tháng 6 thay vì kết thúc vào cuối tháng 5 như thường lệ để có thêm 1 tháng học trực tiếp. Đồng thời, thời gian nghỉ hè cũng nên được co ngắn lại. Giờ đây, học sinh đã dừng đến trường trong nhiều tháng, cho nên nhu cầu nghỉ học cũng không còn quá lớn nữa”, thầy Khang kiến nghị.

{keywords}

Một tiết học thể dục online của Trường Marie Curie.

Bên cạnh đó, để việc học online thực sự hiệu quả, thầy Khang cho rằng, giáo viên cần phải xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, có nhiều tương tác với học sinh. Điều này cũng đảm bảo việc học sinh không phải ngồi hàng giờ đồng hồ trước màn hình máy tính.

“Ai cũng biết, nhìn nhiều vào màn hình điện thoại, máy tính nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt, thị lực bị suy giảm. Mới đây, tôi có hỏi một lớp 8, trong số 31 học sinh thì có đến 21 con thường xuyên đeo kính (chiếm khoảng 68%).

Sau nhiều tháng học online, rất có thể số học sinh phải đeo kính sẽ tăng lên; số học sinh phải đi thay kính do tăng độ cận thị cũng sẽ nhiều hơn”, ông Khang dẫn chứng, đồng thời cho rằng thời gian của cả buổi học ấy cũng nên được rút ngắn hơn so với học trực tiếp; giáo viên cũng nên giao ít bài tập về nhà hơn.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên hỏi han học sinh và phụ huynh để điều chỉnh cách thức giảng dạy cho phù hợp cũng là điều giáo viên cần chú trọng khi dạy học online.

“Mỗi người nên cố gắng một chút”

Khi thời gian “tạm dừng đến trường” quá lâu, việc học phải chuyển sang hình thức online cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề đối với bố mẹ và con cái. Do đó, theo thầy Nguyễn Xuân Khang, không chỉ giáo viên, mà phụ huynh và học sinh cũng phải cố gắng thay đổi.

“Lúc bình thường, sáng sớm hàng ngày, cả nhà thức dậy, bố mẹ chuẩn bị đi làm, con cái chuẩn bị đi học. Suốt cả ngày, công việc, học hành cuốn theo mọi người trong gia đình. Vì thế, sau một ngày làm việc và học tập, cuối chiều, cả nhà đoàn tụ trong bữa tối ấm áp, vui vẻ.

Nhưng đến khi dịch bệnh bùng phát, phải giãn cách xã hội, bố mẹ, con cái đều phải ở nhà, cả ngày “ra đụng vào chạm” nên dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Phòng, chống dịch bệnh đã áp lực, công việc trở nên khó khăn, thu nhập giảm sút… khiến tâm lý của phụ huynh luôn căng thẳng, lo lắng. Cộng thêm việc phải chăm sóc, kèm cặp con học online đã khiến nhiều phụ huynh đã đến giới hạn chịu đựng.

Còn với trẻ con vốn hiếu động, bị “nhốt” nhiều tháng trong nhà, không được giao lưu với bạn bè nên cảm thấy bức bí, khó chịu. Trong khi đó, việc học online với đường mạng phập phù, bài giảng của thầy cô lại khó tiếp thu, ít có cơ hội để trao đổi,… khiến mọi thứ dường như đảo lộn”. 

Trước những khó khăn ấy, về phía phụ huynh, thầy Khang cho rằng, mỗi cha mẹ cần phải kiên trì hơn, chịu khó hơn, bình tĩnh hơn nữa trong việc chăm sóc, giúp đỡ các con học hành ở nhà. 

Còn về phía học sinh cũng cần phải quan tâm và thông cảm cho bố mẹ nhiều hơn. Bên cạnh việc học, các em cũng có thể tranh thủ làm một số việc nhỏ trong nhà để đỡ đần cho bố mẹ. 

Trước tình hình học online có thể sẽ phải kéo dài thêm một thời gian nữa, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều phải chuẩn bị tinh thần vững vàng; mỗi người cần phải cố gắng hơn một chút để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thúy Nga

Cô giáo Việt kể chuyện dạy online lớp 3 ở Mỹ

Cô giáo Việt kể chuyện dạy online lớp 3 ở Mỹ

Chị Trần Ngọc Mỹ Trang, giáo viên tiểu học tại Mỹ cho biết, không quá áp lực phải hoàn thành theo đúng tiến độ chương trình khi dạy online, bởi sự tiến bộ của học trò mới là căn cứ để đánh giá giáo viên sau một năm học.

'Học online, giáo viên chỉ nên nói trong 7 phút'

'Học online, giáo viên chỉ nên nói trong 7 phút'

Giáo viên thời 4.0 giờ đây không còn là trung tâm của tri thức hay giống như một chiếc “máy cái” truyền thụ kiến thức cho học sinh. Họ buộc phải thay đổi để trở thành những huấn luyện viên dẫn dắt, kiến tạo tri thức cho học trò.

Nếu trường học mở cửa, học online sẽ ‘đi đâu về đâu’?

Nếu trường học mở cửa, học online sẽ ‘đi đâu về đâu’?

Việc chuẩn bị học trực tiếp cũng đang được chuẩn bị ở nhiều địa phương. Vậy có phải đã đến lúc dạy học online sắp kết thúc nhiệm vụ? Tương lai nào đang đợi phương thức học này khi học sinh trở lại trường?