Tội phạm mua bán người đang là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Loại hình tội phạm này thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của mỗi quốc gia.

Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bình đẳng giới nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. 

Thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự, xác định có 224 nạn nhân trong các vụ án, tăng 55 vụ/154 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 (mua bán người: 43 vụ/86 đối tượng, mua bán người dưới 16 tuổi: 45 vụ/143 đối tượng).

Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được chú trọng lồng ghép vào các chương trình trợ giúp xã hội.

Những nạn nhân trong các vụ án mua bán người may mắn được giải cứu trở về nhưng còn gặp khó khăn trong xây dựng cuộc sống mới nơi quê nhà. Với tinh thần nhân văn, nhân đạo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 

Trong đó nổi bật là Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2023.

Tại Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố chú trọng nội dung lồng ghép phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương.

Từ đó hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán và các đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận kịp thời với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định pháp luật như: Chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ ban đầu, vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố chủ động đề xuất và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng. Đẩy mạnh hỗ trợ tập trung trực tiếp cho nạn nhân và người nhà họ ổn định lại cuộc sống.

Ngày 28/7 tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người, hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, đến nay, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức được tập trung triển khai. Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực; công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được triển khai hiệu quả và thúc đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thu được những kết quả đáng khích lệ: làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng…

Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho thấy, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tại các tỉnh, thành phố, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, bao gồm: 100 người bị mua bán trong nước và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, có đến 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.

Các nạn nhân được bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí về quê, hỗ trợ y tế và điều trị tâm lý ban đầu. Nhiều nạn nhân còn được hỗ trợ pháp lý, trợ cấp khó khăn, vay vốn và việc làm để tái hòa nhập cộng đồng. 

Cũng tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp liên bộ của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên trong việc chung tay giải quyết vấn đề này.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2023, ông Nguyễn Hải Hòa, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đến nay đã chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp công tác phòng chống mua bán người nội địa; ban hành, tổ chức thống kê số liệu mua bán người; lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Bên cạnh đó, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các bộ, ngành, Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện, đảm bảo quyền của nạn nhân theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”. 

Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân… Từ đó có cơ sở chuyển tuyến đến trung tâm công tác xã hội/ cơ sở bảo trợ xã hội của ngành lao động, thương binh và xã hội; Ngôi nhà Bình yên hoặc các tổ chức NGO hoặc về với gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân.

Tại chương trình, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết, sẽ tăng cường phối hợp thông qua các cơ chế đối tác song phương, đa phương, hỗ trợ xây dựng chương trình hành động để thực hiện tốt các khuyến nghị về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cho các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an, lực lượng tuyến đầu ngăn chặn mua bán người qua biên giới; Hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với các trung tâm hỗ trợ trong hoạt động giải quyết các vấn đề sang chấn tâm lý cho nạn nhân bị mua bán người.

Nguyễn Hoài Linh, Trần Quang Ninh