An cư, lạc nghiệp
Việc hỗ trợ nhà để ở cho hộ nghèo góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và xây dựng, cải tạo nhà ở, bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống nói riêng.
Theo báo cáo của các địa phương, có khoảng 230.000 hộ nghèo có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở. Để tiếp tục hỗ trợ theo chuẩn nghèo mới trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện chính sách; đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Đến tháng 10/2023, có 26/26 địa phương lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Các tỉnh đã và đang thực hiện hỗ trợ cho 13.164 hộ/32.352 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 40,69% kế hoạch năm 2023.
Thực hiện dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 4 huyện nghèo Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát. Theo đó, hỗ trợ 7.555 nhà (xây mới 2.808 nhà và sửa chữa 4.747 nhà) với tổng kinh phí gần 415 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2023 thực hiện xây mới và sửa chữa 1.292 nhà với số kinh phí đã giao gần 45 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2023, tỉnh Lào Cai đang triển khai xây mới và sửa chữa 502 nhà; đã giải ngân được khoảng 14,7%.
Trong 2 năm 2021 - 2022, từ cuộc vận động do Tỉnh ủy Sóc Trăng phát động, các cấp ngành Trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã chung tay hỗ trợ, xây dựng được gần 3.500 căn, tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng. Trong đó, có gần 1.300 căn nhà cho hộ Khmer nghèo, mỗi căn nhà giá trị 50 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.350 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng kinh phí 67,5 tỷ đồng. Trong đó có 1.200 căn do Bộ Công an vận động hỗ trợ đang được xây dựng ở các địa phương cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn về nhà ở, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn từ nguồn kinh phí kêu gọi hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng lên đến 60 tỷ đồng và phấn đấu hoàn thành trước dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
An Giang có 28 dân tộc thiểu số với trên 119.000 người, chiếm 5,2% dân số của tỉnh. Trong đó, cộng đồng Hồi giáo có trên 2.800 hộ với gần 11.200 người, sinh sống tại 9 xóm Chăm ở 5/11 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, đời sống của dân tộc Chăm ở An Giang đã ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã thành lập được 2 khu dân cư gồm: Khu dân cư xã Châu Phong có 174 hộ và Khu dân cư Vĩnh Trương với hơn 123 hộ. Bên cạnh đó, xã Quốc Thái đang quy hoạch xây dựng tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm và xã Đa Phước đã triển khai xây dựng tuyến dân cư có bố trí khu chợ dân sinh. Tỉnh đã bố trí được 180 căn nhà; xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho đồng bào Chăm được gần 30 căn được vận động từ nguồn xã hội hóa và chính sách hỗ trợ cất nhà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 51 cộng đồng dân tộc thiểu số với gần 199.000 người. Tỉnh có 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 701 trường hợp; trong số này có 185 hộ khó khăn về nhà ở. Tỉnh có kế hoạch hỗ trợ nhà ở trong năm 2023 cho số hộ này. Song song đó, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận động nguồn lực xã hội hóa để chung tay dựng mái ấm cho đồng bào khó khăn.
Xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm vào năm 2030
Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5) được phân bổ nguồn vốn khá lớn trong tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 phân bổ cho năm 2023.
Trong chương trình giảm nghèo đa chiều nhiệm kỳ này, bố trí 4.000 tỷ để tập trung giải quyết trên 100.000 căn nhà người nghèo ở 74 huyện nghèo. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTBXH đang bàn với Bộ Tài chính cùng thống nhất để trình Quốc hội, “phấn đấu làm sao trên 100.000 căn nhà này sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ này cho trọn vẹn”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, toàn quốc hiện nay còn khoảng trên 400.000 căn nhà của người có khó khăn ở các địa bàn khác, Thủ tướng Chính phủ trong Hội đồng thi đua khen thưởng đã đồng ý và thống nhất giao cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay cùng người nghèo" để xóa nhà tạm.
Cùng với đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi, Trung ương cũng thống nhất là trong nhiệm kỳ này, từ nay đến năm 2030 chúng ta triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, người lao động, ký túc xá, v.v. đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân.