Từ xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng

Chia sẻ với Vietnamnet, ông Ngô Trường Thi - nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 có 2 dự án, một về hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thứ hai là dự án hỗ trợ sản xuất. 

Việc xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng đã thực hiện lâu rồi, giai đoạn trước cũng có. Chẳng hạn mô hình hỗ trợ nuôi dê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã làm từ trước, giờ đang được tiếp tục thực hiện. 

Những mô hình này được thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, hải đảo. Để tránh trùng lặp ta không hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ dân trên địa bàn. 

Với quan điểm hỗ trợ để thúc đẩy phát triển, không bình quân, tránh ỷ lại và đặc biệt là phù hợp với đặc thù của địa phương và mang bản sắc cộng đồng, cách thức là hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, cùng sở thích. Nhu cầu là do cộng đồng đề xuất và lựa chọn thành viên. 

Nó khác hỗ trợ trực tiếp ở chỗ là có khoản vốn nhất định hỗ trợ cộng đồng, cộng đồng phải bình xét ai vào, ai chưa vào? Ai tự nguyện sẽ tham gia, ai chưa tự nguyện cứ đứng ngoài, không hề áp đặt, hoàn toàn do cộng đồng tự bình chọn. 

Những thành viên tham gia phải tự nguyện đóng góp một phần kinh phí. Trước đây chúng ta quy định rõ 10%. Vấn đề không phải thiếu tiền mà là vì phải đóng góp người ta mới có trách nhiệm, cho không là không ổn. 

"Đặc biệt, chúng tôi đặt quan điểm phải đảm bảo công bằng. Khi được hỗ trợ, hết một chu kỳ anh phải luân chuyển một phần để người khác cùng hưởng. Như chương trình hỗ trợ dê ở Cẩm Thủy, chúng tôi yêu cầu hộ nuôi dê khi có thành quả phải luân chuyển cho hộ khác, để người ta thấy ý thức trách nhiệm cộng đồng và nhiều người khác cũng được hưởng lợi", Ông Thi chia sẻ thêm. 

Đây là một cách thức hay về hỗ trợ cộng đồng, nếu thực hiện tốt sẽ bền vững hơn rất nhiều việc hỗ trợ xong là rời đi.

.... đến dự án sinh kế Trà Vinh

Dự án sinh kế Trà Vinh giúp nhiều hộ đồng bào Khmer, phụ nữ yếu thế nâng cao đời đời sống đã minh chứng cho nhận định trên.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đây là dự án do Tổ chức Samaritan’s Purse International Relief (SPIR- tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ) tài trợ tỉnh thực hiện từ tháng 4/2022 - 3/2023 với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là góp phần tăng thu nhập, hướng đến kinh tế bền vững cho nhóm hộ gia đình dễ bị tổn thương thuộc huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), giúp những hộ này phát triển mô hình sinh kế bền vững, góp phần cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội nghị tổng kết Dự án sinh kế Trà Vinh thông tin, 70 gia đình ở huyện Duyên Hải là hộ nghèo, dân tộc Khmer hoặc phụ nữ yếu thế được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò cái, 50 kg cỏ và 25 kg phân bón trồng cỏ, chi phí 1,37 triệu đồng làm chuồng trại; đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản.

Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ sinh kế về trồng trọt cho 5 gia đình thực hiện mô hình trồng rau, màu trong nhà lưới tại xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải. Cùng với đó, các gia đình này còn được hỗ trợ kỹ năng quản lý tài chính và kết nối thị trường nhằm duy trì kinh tế bền vững.

Qua 1 năm thực hiện, Dự án đã chứng minh được hiệu quả, kết quả bước đầu tạo sự lan tỏa rất lớn trong nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, kết nối thị trường, tăng thu nhập thông qua các mô hình sinh kế. Từ đó giúp người nghèo từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết thêm, trước đó, từ tháng 4/2021 - 31/3/2022, Tổ chức SPIR tài trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện Dự án sinh kế Trà Vinh và Dự án Hỗ trợ cộng đồng ứng phó hạn mặn với tổng kinh phí gần 5,6 tỷ đồng. Tại huyện Trà Cú, 80 hộ dân nghèo đã được hỗ trợ bò cái sinh sản và chi phí chăn nuôi để cải thiện sinh kế.

Từ xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng đến dự án sinh kế Trà Vinh đã chứng minh cho thấy tầm quan trọng của phương thức hỗ trợ phải góp phần thúc đẩy phát triển, không bình quân, tránh ỷ lại và đặc biệt phải phù hợp với đặc thù của địa phương, phải mang bản sắc cộng đồng, để nhiều người cùng hưởng lợi, có như vậy triển khai chương trình giảm nghèo mới có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra cho giai đoạn mới.

Nhóm PV