Hòa Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, chiếm hơn 74% dân số toàn tỉnh. Do điều kiện về phân bố dân cư, truyền thống văn hóa, đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình chủ yếu sinh sống ở các vùng núi cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều hạn chế.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy ứng dụng CNTT vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” và các chính sách về chuyển đổi số.

Tác động tích cực đến mọi mặt đời sống

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào phát triển hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hạ tầng internet băng thông rộng cáp quang được triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng di động 3G/4G được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư. 

Công nghệ thông tin phát triển giúp người dân vùng DTTS tỉnh Hòa Bình dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, từ đó nâng cao nhận thức, kết nối với các dịch vụ, thị trường và các nền tảng trực tuyến trên mọi lĩnh vực.

Hoà Bình
Tuyên truyền cho đồng bào DTTS ở Hoà Bình về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh

Sinh kế của người dân vùng DTTS tỉnh Hòa Bình hiện vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (đan lát, thổ cẩm,…), buôn bán nhỏ và dịch vụ du lịch; trong khi đó các ngành công nghiệp và dịch vụ khác chưa phát triển. Vì vậy, để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế vùng DTTS, nhiều phần mềm chuyên dụng đã được các sở, ngành triển khai.

Chẳng hạn như: hệ thống cảnh báo thiên tai, phần mềm quản lý dịch bệnh, quản lý tài nguyên đất… trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cung cấp cho người dân các thông tin về canh tác, giá cả nông sản và các chính sách hỗ trợ… Từ đó, giúp người dân từng bước tiếp cận và ứng dụng CNTT để tìm kiếm thông tin về đầu vào và giá cả thị trường, mua bán vật tư, học tập kỹ năng sản xuất…

Hệ thống du lịch thông minh được triển khai với nhiều ứng dụng tiện lợi trên điện thoại di động như: cổng thông tin du lịch, bản đồ du lịch, chỉ đường, đặt phòng và đồ ăn, gọi xe…  

Ngoài ra, thanh toán điện tử cũng được tỉnh triển khai trong mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục mua bán.

Trong ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã tích cực triển khai các dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa liên thông. Hoà Bình đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số, cụ thể, đã có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh.

Tỉnh cũng thực hiện tích hợp các hệ thống thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho nhiều lĩnh vực, như: giao thông, tư pháp, tài chính, đất đai… Hệ thống này còn cho phép tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, tạo nhiều thuận lợi, giảm chi phí, phiền hà cho người dân.

CNTT cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực xã hội khác như: giáo dục, y tế, văn hóa… Đến nay, 100% cơ sở đào tạo đã được kết nối internet và trang bị máy tính, đặc biệt 100% các trường từ trung học cơ sở trở lên có môn Tin học; 100% cơ sở y tế hiện có hệ thống internet và nhiều phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ, theo dõi sức khỏe. CNTT còn giúp lưu giữ và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng DTTS tỉnh Hòa Bình;...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Được biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về các vấn đề liên quan đến CNTT và ứng dụng vào đời sống, sản xuất; v.v...