Thượng tá Lỗ Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, hiện nay, các đối tượng tội phạm mua bán người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân là phụ nữ, trẻ em, thậm chí là thanh, thiếu niên, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi có trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, hoàn cảnh khó khăn hoặc đang có nhu cầu tìm việc làm... dùng chiêu trò "việc nhẹ, lương cao” để lừa gạt trốn ra nước ngoài trái phép, sau đó bán cho các đối tượng, đường dây tội phạm mua bán người ở nước ngoài.
Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị T. ở thôn Đồng Yên, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Chị T. là một nạn nhân của tội phạm mua bán người mới đây đã may mắn trốn thoát và trở về Việt Nam.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị T., gần 10 năm trước, vì tin vào những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng với công việc nhẹ nhàng, lương cao nơi thị thành của một đối tượng quen biết mà chị nhanh chóng rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm mua bán người.
Khi bị đưa qua bên kia biên giới, bị bán làm vợ một người đàn ông ở Trung Quốc, chị T mới vỡ lẽ mình bị lừa và phải trải qua biết bao đắng cay, tủi hờn mới tìm được đường trở về quê hương.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với các nền tảng mạng xã hội đã kết nối xã hội, kết nối con người gần nhau hơn. Các đối tượng phạm tội mua bán người lợi dụng điều này đưa ra nhiều miếng mồi ngon, hấp dẫn để lừa đảo các nạn nhân.
Vào tháng 1/2024, thông qua công tác nắm tình hình và từ nguồn tin báo, tố giác tội phạm của nhân dân, lực lượng chức năng Công an tỉnh Hòa Bình đã giải cứu kịp thời 2 nạn nhân: T.Đ.H (SN 2009), trú tại phường Đồng Tiến và P.T.T (SN 2003), trú tại phường Thái Bình, TP Hòa Bình khi bị các đối tượng: Nguyễn Huy Hoàng (SN 2004), trú tại phường Tân Thịnh và Lưu Văn Dũng (SN 2003), trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình lừa đảo chuẩn bị đưa đi theo đuổi giấc mơ "việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia.
Quá trình điều tra, các đối tượng khai nhận những người bị bọn chúng dụ dỗ đưa sang Campuchia được quản lý tập trung do người Trung Quốc làm chủ. Hàng ngày, những người này sử dụng máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình thời gian qua cũng rộ lên việc nhiều người khi tham gia mạng xã hội được một số đối tượng gửi thông tin, lời mời hấp dẫn đáp ứng tiêu chí "việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là cái bẫy đối tượng tội phạm mua bán người giăng ra để chờ những con mồi tự "nộp mạng”. Một khi đã "sập bẫy” thì hầu như chẳng có nạn nhân nào thoát ra được.
Từ thực tế trên, Công an tỉnh Hoà Bình đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 07/KH-PC02, ngày 23/1/2024 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Từ đó tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người tại cơ sở.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp tổ chức 40 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người cho 8.240 lượt người tham gia. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục đẩy mạnh việc xác minh, truy bắt 6 đối tượng liên quan đến các vụ án mua bán người đang bị cơ quan Cảnh sát điều tra truy nã.
Trong thời gian tới, tội phạm mua bán người tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đối tượng tội phạm thường xuyên hoạt động lưu động, đưa người ra nước ngoài trái phép dưới nhiều hình thức, địa bàn hoạt động liên quan đến nhiều tỉnh, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, mỗi người dân cần đề cao ý thức cảnh giác; không tin, không nghe theo thông tin của các đối tượng đưa ra để tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người nói riêng, tội phạm lừa đảo nói chung.