Không ngừng vượt khó, quyết tâm vươn lên

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Hòa Bình không ngừng vượt khó, quyết tâm vươn lên trở thành tỉnh trung bình của cả nước.

Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững. Sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Ðẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực. Hòa Bình đã ổn định diện tích canh tác các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường cả nước biết đến như: cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, cá sông Ðà, gà Lạc Sơn, lợn bản địa…

W-hoabinh.png
Ảnh minh hoạ

Mục tiêu phát triển công nghiệp thật sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả để thúc đẩy phát triển dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp. Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tám khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500ha; bổ sung thêm với khu công nghiệp mới với diện tích hơn 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích hơn 800ha.

Trong 9 tháng qua, có 2 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã, toàn tỉnh có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu, có 3 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường cung cầu, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh, Hòa Bình đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 19,33% so với cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ khác tăng 31,27%; dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 21,15%; bán lẻ hàng hóa tăng 15,07%.

Về kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, thực hiện 73,92% so Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.031 triệu USD, tăng 15,09 % so với cùng kỳ, thực hiện 74,93% so Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024.

Về phát triển du lịch, toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 380 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 3.220 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỉ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 80,4% kế hoạch năm.

Về lao động việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Tổng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 9 tháng đầu năm 2024 là 37.020 triệu đồng cho 601 nhà xây mới và 257 nhà sửa chữa. Thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; ước đến 30/9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 831.843 người trên tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,02%.

Để đạt được những kết quả đó các ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo những dấu ấn nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. 

Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, cũng như tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đây nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn đã giúp cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, công tác định hướng đa dạng hóa các sản phẩm được trú trọng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp nông sản Hòa Bình tìm được đầu ra ổn định, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản như gạo nếp, rau củ quả, các sản phẩm OCOP. 

Sự ổn định trong sản xuất nông lâm thủy sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình.

Quyết tâm tháo gỡ cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư

Với tiềm năng và triển vọng của Hòa Bình đang có, tỉnh cũng quyết tâm tháo gỡ cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NÐ-CP của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm.

Trong thương mại, dịch vụ, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch... Ðối với các thủ tục đầu tư, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; thời gian giải quyết đang được rút ngắn, đáng chú ý là kể từ ngày nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư đúng với cam kết.

W-hoabinh.png
Ảnh minh hoạ

Với mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, Hòa Bình luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế tạo, chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch… Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.

Năm 2024 đang dần khép lại, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân tại các mốc thời gian theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2024. 

Thanh Sơn