Venezuela nổi tiếng với danh hiệu đất nước chuyên sản sinh ra những hoa hậu của thế giới, tuy nhiên trước bờ vực suy thoái kinh tế trầm trọng, những cô hoa hậu xinh đẹp nhất nơi đây có lẽ rồi cũng chết lả đi vì đói.

Một thời lừng lẫy

Những suốt 14 năm dưới thời của Tổng thống Hugo Chávez, Venezuela đã có những thay đổi lớn với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 hướng tới công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động.

Vào thời kỳ đó, theo số liệu thống kê, Venezuela là nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho hai nền kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2011, cùng là thành viên trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) song Venezuela còn vượt mặt Ả-rập Xê-út để trở thành quốc gia có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới.

{keywords}

Một em bé đứng trước lá cờ in hình Tổng thống Hugo Chavez

Nhờ đó mà vai trò và vị thế của Venezuela trên trường quốc tế và khu vực ngày càng được củng cố, dần có tiếng nói hơn và thậm chí còn là một "đại gia" dầu mỏ hào phóng đến mức luôn chia sẻ nguồn lợi từ dầu khí của mình để hỗ trợ các nước khác như Nicaragua , Bolivia và Cuba.

Với nguồn dầu mỏ dồi dào, Tổng thống Hugo Chavez còn thành lập Tổ chức Petrocaribe do Venezuela hỗ trợ tài chính vào năm 2005 mà tất cả thành viên đều được Venezuela bán dầu cho với mức ưu đãi nhất.

Thậm chí, các đảo quốc nghèo ở Caribe như Jamaica, Haiti và cộng hòa Dominicana có thể thanh toán một phần tiền mua dầu của mình bằng chuối và đường thay vì tiền mặt.

Trả giá đắt

Theo trang Wall Street Journal, trong nỗ lực để xây dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong suốt 14 năm đương nhiệm của tổng thống Hugo Chavez, ông luôn áp dụng phương châm "Quốc gia, Chủ nghĩa xã hội hay là Chết" - với việc đẩy mạnh chi tiêu công vào thực phẩm được trợ cấp, nhà ở, y tế, giáo dục và các chương trình phúc lợi xã hội khác.

Việc chi tiêu công lớn đã thúc đẩy lạm phát tràn lan, cùng với đó là các chính sách can thiệp quá lớn của Nhà nước vào nền kinh tế như việc kiểm soát vốn và cố định tỷ giá hối đoái đã dẫn đến sự mất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khiến cho tổng vốn đầu tư giảm từ 24% GDP năm 2009 xuống còn 18% GDP trong năm 2011, theo Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó là sự chênh lệch lên tới 4 lần giữa tỷ giá quy định và tỷ giá bên ngoài chợ đen.

Nợ nước ngoài của quốc gia tăng lên 28 tỷ USD trong năm đầu tiên ông đương nhiệm và tăng lên 90 tỷ USD cho tới thời điểm năm 2013.

{keywords} 

Cũng theo phân tích của Wall Street Journal, thay vì theo đuổi chính sách có thể kích thích đầu tư thì Chính phủ lại phản ứng bằng các chính sách nhằm giảm khả năng sản xuất và đẩy lạm phát cao lên tới kịch trần.

Kết quả là tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác đã xảy ra, thiếu điện và mất điện liên miên, số lượng việc làm cũng giảm mạnh.

Theo đánh giá trên trang Reason, từ những năm 1970, tự do kinh tế tại nước này liên tục bị phá hoại bởi những quy định pháp luật của Venezuela, chẳng hạn như tịch thu tài sản cá nhân tùy tiện, vật giá do chính phủ quy định.

Và ngay cả khi không có sự sụt giảm của giá dầu, nền kinh tế Venezuela sớm hay muộn sẽ gặp rắc rối lớn vì những chính sách đã phá hủy những lĩnh vực "phi dầu mỏ" của hệ thống kinh tế quốc gia.

CNN cũng từng nhận xét, Venezuela không biết gom góp dành dụm từ những ngày còn đang "hốt bạc" nhờ giá dầu tăng vọt, để rồi đến nay khi giá dầu sụp đổ mới thấy cả một hậu quả to lớn là bóng đen hỗn loạn ập lên quốc gia này.

Sự sụp đổ giá dầu bắt đầu từ tháng 6/2014 như một gáo nước lạnh dội thêm vào "ngọn đèn dầu" kinh tế Venezuela.

Trước đây giá dầu của quốc gia hoa hậu là trên 100 USD một thùng, nhưng sau này chỉ còn 30 USD một thùng, kém hơn cả mức trung bình là 35 USD một thùng của OPEC do dầu của nước này thuộc loại dầu thô nặng cần tới chi phí xử tinh chế cao hơn để có thể bán được trên thị trường.

Theo trang Invest Opedia, Venezuela vẫn được biết đến là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 7 trên thế giới trong năm 2013, với từ dầu và các mặt hàng liên quan đến dầu chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cơ quan Tình báo Trung ương, các nguồn thu từ dầu chiếm tới 45% của doanh thu ngân sách của Venezuela và khoảng 12% GDP của quốc gia hoa hậu này. Đó là lý do vì sao mà kinh tế của Venezuela rất dễ bị "tổn thương" bởi biến động của giá dầu mà chỉ cần giảm 1 USD/thùng thôi đã gây ra sự mất mát đáng kể cho nguồn thu ngân sách của chính phủ.

Trong quãng thời gian giá dầu duy trì ở mức cao, sự quản lý kinh tế yếu kém của Venezuela đã được che đậy bằng nguồn thu từ dầu tăng mạnh, mà phần lớn số đố tiếp tục được sử dụng để tài trợ cho các chương trình xã hội. Điều này cải thiện các chỉ số xã hội của đất nước và dẫn đến cân đối vĩ mô.

Tuy nhiên, nền kinh tế Venezuela phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ mà không có một lĩnh vực "phi dầu mỏ" nào cạnh tranh được đã khiến cho nước này "lãnh đủ" hậu quả khi giá cho mỗi thùng dầu giảm xuống quá nửa, mà điều này đã thể hiện rõ rệt từ ngay những ngày nửa đầu năm ngoái và cho đến nay đã lên tới đỉnh điểm.

{keywords}

Người dân vạ vật, mỏi mệt chờ lương thực

Và hoa hậu Venezuela rồi cũng đói lả

Chính phủ Venezuela đã phát đi thông báo khẩn về tình trạng suy yếu của kinh tế quốc gia từ tháng 1/2016, bên cạnh đó là ban bố các chính sách tem phiếu cho thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu khác.

Do 70% thực phẩm, hàng tiêu dùng ở Venezuela phụ thuộc vào nhập khẩu nên khi kinh tế sa sút, các mặt hàng thực phẩm, thuốc men và đồ tiêu dùng thiếu hụt trầm trọng, những hàng dài chờ đợi được mua các mặt hàng nhu yếu phẩm đã trở thành cảnh tượng quen thuộc. Với người dân đến tờ giấy ăn cũng trở nên khan hiếm, họ có thể đánh nhau vỡ đầu mẻ trán chỉ để sở hữu được một cuộn giấy.

Chưa hết, đợt hạn hán vừa qua đã khiến dân Venezuela chìm thêm vào thống khổ vì vừa phải chịu cảnh không có điện lại không có nước. Công chức chỉ còn làm việc 2 ngày/tuần để tiết kiệm điện khiến năng suất lao động giảm.

Bất ổn xã hội lớn, cướp bóc bạo lực lan tràn, người dân ngày càng oán thán Tổng thống Nicolas Maduro. Trao đổi với các phóng viên tại Washington, một số quan chức tình báo giấu tên của Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ sụp đổ của chính phủ Venezuela.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá mức lạm phát tại Venezuela đang ở mức 700% và có thể tăng lên 720% vào năm nay. Bên cạnh đó đồng nội tệ bolivar mất giá một cách thậm tệ. Vào thời điểm giữa năm 2015, 1 USD đổi được tới 676 bolivar. Trong khi trước đó 1 USD chỉ tương đương với khoảng 82 bolivar. Điều khiến người dân Venezuela giờ đây lâm vào cảnh cầm tiền tấn nhưng không tiêu vào được thứ gì.

Trong một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội của Venezuela gần đây, đầu bếp trong một nhà hàng dùng một tờ tiền mệnh giá 2 Bolivar để lót tay khi cầm cán chảo, vì tờ tiền này không đủ để mua một tờ giấy ăn!.

Hay có người còn dùng tờ 2 bolivar để làm giấy lót bánh, và khẳng định đồng tiền này thực tế không có giá bằng một cent Mỹ (theo tỷ giá phổ biến tại Venezuela).

Vì vậy, ở Zimbabwe có những tỷ phú nghèo cầm trăm tỷ không mua nổi cái bánh thì tương tự như Venezuela, ngay cả những cô hoa hậu xinh đẹp nhất rồi cũng sẽ tả tơi đi vì đói, khi mà đến nay, người ta còn phải bắt cả chó, mèo, bồ câu trên đường phố để ăn vì thiếu lương thực, hay đồng tiền giá trị đến mấy cũng chỉ đế làm giấy lót bánh là cùng.

(Theo VTC)