Họa sĩ Ngô Thanh Hùng vừa tổ chức triển lãm Dòng chảy tại TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân thứ 2 của anh sau 2 thập kỷ theo đuổi nghiệp hội họa. 

Triển lãm với 25 bức tranh theo trường phái trừu tượng biểu hiện, bao gồm tranh đơn và tranh ghép, được họa sĩ sáng tác trong gần 3 năm. Từ năm 2020, anh bắt đầu hình thành ý tưởng và bắt tay vào quá trình sáng tác. Mỗi tác phẩm anh mất trung bình một tháng để hoàn thiện. 

Chia sẻ với VietNamNet, nam họa sĩ cho biết ý thức rõ những khó khăn khi theo đuổi trường phái trừu tượng biểu hiện. Tuy nhiên, tình yêu, sự ham thích với dòng tranh này khiến anh quyết liệt dấn thân để trải nghiệm. Họa sĩ quan niệm tìm đến thể loại này trước hết để thỏa mãn cảm xúc của chính mình. 

“Phần đông vẫn ưa thích các thể loại hiện thực hơn thay vì trừu tượng biểu hiện vốn rất kén người thưởng lãm. Tuy nhiên, tôi thấy mình có duyên với nó và quan trọng vẫn “sống” được nên cũng là động lực để mình tiến bước”, anh nói. 

Với Ngô Thanh Hùng, trừu tượng như một sự giải phóng cảm xúc, giải phóng nguồn năng lượng tích tụ để đạt được cái thăng hoa. Vẽ trừu tượng rất khó, vì đó là cả quá trình nghiên cứu, trau dồi với hình và vẽ hình rất nhiều, thì mới có được cảm giác “vô hình”. Người vẽ phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi vẽ, còn trong quá trình vẽ, sẽ kết hợp đường nét, mảng hình, màu sắc… với cảm xúc, ý niệm. Trong 3 năm Covid-19, nam họa sĩ thấy mình càng bùng nổ cảm xúc với trừu tượng. 

Nam họa sĩ cũng ứng dụng kỹ thuật sơn mài tổng hợp, giữa các loại sơn vẽ truyền thống và sơn công nghiệp. Anh đắp lớp tuần tự theo kỹ thuật sơn mài lên nền gỗ nhựa đã được xử lý độ bám dính màu, loại bỏ tối đa nguy cơ ẩm mốc, cong vênh, chống cháy. Sau đó, dùng kỹ thuật mài của sơn mài để thể hiện sự sáng tạo theo mong muốn của mình. 

Theo Ngô Thanh Hùng, loại sơn anh sử dụng là màu của đất sét tự nhiên kết hợp với một ít phụ gia của ngành sơn. Do đó, tranh khi hoàn thiện sẽ không có mùi và đảm bảo độ bền, thân thiện với môi trường. 

Các tranh của Ngô Thanh Hùng đều có điểm chung là kích cỡ to. Anh xem đây là cách để thể hiện cảm xúc mạnh mẽ trong quá trình sáng tác và không bị giới hạn bởi kích cỡ. Qua mỗi tranh, anh muốn gửi gắm tinh thần nhẹ nhàng, sự lạc quan, thông qua góc nhìn đa dạng của từng người thưởng lãm. 

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng có 20 năm gắn bó với hội họa. Song anh chính thức theo đuổi mỹ thuật chuyên nghiệp trong khoảng 12 năm trở lại đây.  Anh hiện cũng là giảng viên tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, giảng dạy và đào tạo các lứa học trò. Thời gian rảnh, Ngô Thanh Hùng dành trọn cho các tác phẩm của mình như một cách để anh giãi bày cảm xúc cá nhân hay góc nhìn về cuộc sống, thời cuộc. 

Các tranh trưng bày trong triển lãm

Bức "Trầm tích". 
Bức "Phù sa". 
Bức "Bốn mùa". 
Bức "Mạch nguồn sự sống". 
Bức "Nhịp điệu mùa thu". 
Bức "Khải huyền".