Đúng 20h00 ngày 19/11, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh tử vong do Covid-19.
Trước buổi lễ cầu siêu đầy ý nghĩa này, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN xúc động chia sẻ, công tác chuẩn bị tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM đã hoàn tất.
Ban Trị sự Phật giáo Hà Nội tham gia và chỉ đạo cho các ngôi chùa toàn thành phố đúng 20h ngày 19/11 sẽ thỉnh chuông. Bởi, trong tiếng chuông đó, đã có phép cầu nguyện: "Con xin đánh chuông này/Tiếng chuông thấu khắp mọi nơi xa gần/Ai nghe thấy lòng trần nhẹ bẫng/Tạo Bồ đề được chứng lên ngay".
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, buổi lễ này còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Theo quan điểm của Phật giáo, khi người chết, thần thức còn phảng phất. Vì vậy, khi chúng ta cầu nguyện là một niềm an ủi động viên các hương linh. Nhờ câu kinh, tiếng kệ của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, các vong linh được Đức Phật tiếp dẫn về cõi Tây phương cực lạc."Quốc hội đề xuất Chính phủ tổ chức Đại lễ tưởng niệm, trong đó có lễ cầu siêu, cầu nguyện cho đồng bào tử nạn do dịch Covid-19 thật kịp thời, ý nghĩa và đáng trân trọng. Tôi rất cảm động trước quyết định này của Quốc hội. Đây là lễ tưởng niệm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc".
"Về mặt giá trị đạo đức văn hoá của người Việt, đây là nghĩa cử cao đẹp của người còn sống luôn nhớ tới người đã mất. Thông qua bàn thờ tổ tiên, chúng ta cầu nguyện cho các vong linh. Đây cũng là chia sẻ những mất mát tổn thất lớn của những gia đình nạn nhân tử vong do Covid-19 và là cũng niềm động viên đối với những người còn sống. Thông qua đại lễ khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng nắm tay nhau để vượt qua khó khăn.
Đối với Phật giáo, đây là tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu âm độ dương. Điều đó có nghĩa là, cầu cho những người sống được mạnh khoẻ; bình an, cầu siêu cho hương linh quá cố được siêu sinh an lạc quốc", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.
Hòa thượng cho biết, tinh thần của Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội. Trong những năm qua, Giáo hội luôn tập trung làm tốt công tác từ thiện. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các cấp Giáo hội chung sức cùng Đảng, Nhà nước để chung lo cho cuộc sống của người dân.
Nhiều bếp ăn tình thương được ra đời, các siêu thị 0 đồng được dựng lên, ATM oxy được chở đến tận giường để cứu sống bệnh nhân, các ngôi chùa nhận tro cốt các nạn nhân xấu số chết vì Covid-19 để thờ cúng, cầu siêu, nhiều tăng ni cởi áo cà sa, khoác blouse trắng lên đường vào bệnh viện dã chiến… Họ vì mục đích cao cả cứu độ chúng sinh.
"Ngay trong Thông bạch số 283 của Trung ương GHPGVN gửi đến các ban trị sự cả nước, ngoài việc kêu gọi các chùa thỉnh chuông cầu nguyện cho hương linh do dịch Covid-19 được siêu thoát, còn kêu gọi các tăng, ni phật tử tiếp tục làm tốt công tác thiện nguyện trong thời gian tới.
Theo đó, yêu cầu tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch covid như: Thức hiện 5k; từ thiện xã hội… góp phần bù đắp những tổn thất, thiệt thòi của đồng bào ta đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.
Tình Lê
Tưởng niệm hơn 23 nghìn người mất vì Covid-19
“Covid-19 đã cướp đi ba mẹ tôi, giờ nhà chỉ còn mình tôi với nỗi nhớ khôn nguôi”, chị Thảo tâm sự. Hôm nay, cả nước sẽ tưởng niệm hơn 23 ngàn người mất vì Covid -19, trong đó có ba mẹ chị Thảo.