Ở ngoại ô, ven Hồ Tây, họ lập nghiệp và canh tác trên những bãi đất khi ấy vẫn hoang vu. Họ cùng xây dựng một cộng đồng. Những thanh niên trong làng, con gái trồng cấy nơi hậu phương, con trai đi bộ đội chống Mỹ - như con cả của bà Tâm, người đã hy sinh năm 1969.

Tên cái làng ấy sau này văng vẳng mãi, như biểu tượng của sự lãng mạn ở thủ đô: Làng hoa Ngọc Hà.

Buổi sáng ngày 28/12/1972, khung cảnh Hà Nội hoang tàn. Người Mỹ đã thả xuống thành phố xấp xỉ 20.000 tấn bom. Đó là chiến dịch dùng máy bay ném bom hạng nặng lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Hầu hết các gia đình phải đi sơ tán. Nhưng hôm ấy, gia đình bà Tâm vẫn bám trụ lại làng.

Trong lòng hồ Hữu Tiệp, cái hồ cạnh đình làng Ngọc Hà, sáng hôm ấy có một xác máy bay B52 nằm im lìm. Chiếc máy bay quân dân thủ đô đã bắn rơi ngày hôm trước. Bên hồ, cạnh những mảnh vỡ của chiến tranh, những luống hoa vẫn tươi tắn. Cô Hoan, con gái út của bà Tâm vẫn quyết định dậy sớm, cắt hoa gánh lên phố bán. Như một ngày mùa Đông Hà Nội bình thường.

Đó là một hình ảnh mà các kiến trúc sư quy hoạch của thập kỷ 80 đã ấp ủ sẽ bất tử hóa, bằng việc giữ mãi làng hoa Ngọc Hà.

lang hoa ngoc ha.jpg
Ảnh: Thạch Thảo

Bản đồ án năm 1984

Hình ảnh cô gái làng hoa Nguyễn Thị Hoan tưới hoa bên hồ Hữu Tiệp, miệng nở một nụ cười, hậu cảnh là xác máy bay B52, đã trở thành một huyền thoại nhỏ của Hà Nội, của người Hà Nội, của tinh thần Hà Nội suốt 50 năm qua.

Gánh hoa của cô Hoan năm xưa, dù chỉ qua những bức ảnh đen trắng, vẫn nhận ra được đóa hoa và màu hoa ấy. Hoa lay ơn trắng, loài hoa gợi về tiết đông Hà Nội, loài hoa của những ngày trời lớt phớt mưa phùn, của những căn phòng khách nhỏ và niềm vui giản dị.

Làng hoa Ngọc Hà. Nhiều người Việt Nam mãi những năm sau này vẫn gọi cái tên đó, không phải với tư cách một cái làng trồng hoa, mà là một hình dung lãng mạn về thủ đô, về bờ Hồ Tây sương trắng với những cô thiếu nữ gánh quang như cô Hoan năm nào. Một khái niệm của ký ức.

Những đóa hoa Ngọc Hà vẫn rực sáng giữa chiến dịch ném bom. Nhưng nó biến mất trong chớp mắt, chỉ sau một vài cơn sốt đất.

Năm 1984, một nhóm kiến trúc sư Việt Nam vẽ một đồ án mang tên “Nhà ở làng hoa”, với một viễn cảnh về làng hoa Ngọc Hà bên bờ hồ Hữu Tiệp. Nó trở thành một trong những đồ án quy hoạch đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Nhóm kiến trúc sư, gồm Nguyễn Hoàng Hà, Lê Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn. Họ đều đã ở tuổi thất thập hoặc đã rời cõi tạm. 50 năm trước, ở tuổi thanh niên, những tác giả ấy đã mơ một giấc mơ Ngọc Hà đầy hoa.

Bạn có thể không phải một người quen đọc bản vẽ quy hoạch, nhưng cũng dễ nhận ra ước mơ ấy đẹp như thế nào, khi chỉ lướt qua bản vẽ năm ấy.

Bản đồ án hiện vẫn đang được UNESCO lưu trữ trong chương trình “Tomorrow’s Habitat” (Chốn ở của ngày mai) - cuộc thi họ tổ chức cho các kiến trúc sư trẻ toàn thế giới - nơi ước mơ làng hoa thắng giải.

Trong phần diễn trình, các tác giả viết về một chuỗi những ngôi nhà mở, cả bốn mặt nhìn ra các vườn hoa. Người dân Ngọc Hà sẽ sống, làm việc rải rác giữa một khu vườn hoa khổng lồ. Phần gác mái sẽ được thiết kế như một dạng nhà kính để ươm hạt và bảo quản những loài hoa khó tính. Vật liệu được ưu tiên, sẽ là tre nứa.

Trong làng, có nơi tổ chức hội, có ghi chú “camping” bên đình, và hình vẽ những con thuyền rồng bơi dưới mặt nước hồ.

Số phận của bản đồ án ấy chỉ dừng lại ở một loạt các giải thưởng quốc tế. Vì rất nhanh, chỉ chưa đầy 10 năm sau, cơn lốc đô thị hóa ập đến ngôi làng ven đô (mà bây giờ, đã trở thành “vô cùng nội đô”). Giá đất tăng vọt, người làng bán đi, cất nhà tầng, những mảnh ruộng thay bằng những mái nhà san sát trong ngõ ngách. Làng hoa Ngọc Hà, chỉ sau một thập niên, trở thành một khái niệm của ký ức.

Bản đồ án vĩnh viễn chỉ là một “concept”. Những đóa hoa trắng ngày Đông, biểu tượng cho tình yêu cái đẹp một thời, chỉ còn trong bức ảnh.

Bản đồ án năm 2021

Năm lên ba, Dương Thảo có một người em họ cùng tuổi chết đuối ngoài sông. Thím của Thảo đang mang bầu đứa thứ hai, và suốt tuổi thơ, cô bé chứng kiến nỗi đau gặm nhấm gia đình, theo những cách đau lòng nhất mà số phận có thể mang đến.

Người em họ thứ hai, sinh ra sau bi kịch, cũng những tổn thương tâm thần không thể chữa lành. Mãi cho đến tuổi thanh niên, Thảo vẫn nghẹn lại và nghĩ:

 “Giá mà thời gian có thể trở lại”.

Nếu thời gian quay trở lại, Thảo sẽ xây một sân chơi cho những bạn nhỏ như mình.

Nó trở thành một khao khát của cô sinh viên Đại học Kiến trúc thành phố, người đã vẽ đồ án tốt nghiệp là một Khu vui chơi thúc đẩy phát triển trí não và thể chất cho trẻ nhỏ. Nó trở thành ám ảnh của cô kiến trúc sư trẻ, người ngày ngày vẽ hàng hóa cho các chủ đầu tư bất động sản, nhưng trong đầu chỉ nghĩ về việc được xây dựng những không gian chơi.

Hai mươi tám tuổi, Thảo quyết định thành lập một dự án tình nguyện mang tên “Sân chơi cầu vồng”. Cô sẽ tự đi quyên tiền để xây sân chơi cho các trường học tại miền núi.

Dự án ra đời, có hai bạn nữ nữa tham gia. Ba cô gái đi quyên góp mấy chục triệu để xây dựng sân chơi đầu tiên tại Lâm Đồng.

Thảo là một kiến trúc sư quy hoạch. Lý và Hòa, hai đồng sáng lập, làm chuyên viên phân tích dữ liệu và phòng đào tạo của doanh nghiệp. Họ đều không có chút kinh nghiệm thi công thực địa nào. Ngày đầu tiên đổ bê tông xuống điểm trường Ma Bó - xã Đa Quynh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng - chỉ để họ chứng kiến một cơn mưa biến tất cả thành đám sình nhão nhoét.

Dương Thảo cũng nhận được thái độ tiêu cực từ cha mẹ. Cô bỏ làm, một công việc trong ngành bất động sản đang tăng trưởng tốt giai đoạn 2021 - 2022, trong nhiều tháng để đi tìm lời giải cho việc xây sân chơi.

Suốt bốn mươi năm sau bản đồ án quy hoạch Làng hoa Ngọc Hà – đoạt giải thưởng quốc tế rồi… thôi – Việt Nam được xướng tên trong các giải thưởng quy hoạch quốc tế thêm nhiều lần nữa. Cũng có lúc tác phẩm chung số phận với Làng hoa, như bao bản quy hoạch trên đời, vẽ rồi xếp xó. Nhưng cũng nhiều khi, ngày càng nhiều, bản đồ án lãng mạn đi vào cuộc sống.

Trong số đó có dự án Sân chơi Cầu Vồng – mới được Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ vinh danh trong hạng mục “Thúc đẩy công bằng xã hội” vào cuối năm 2023 này. Cũng như năm 1984, đó là những nét vẽ thơ mộng của những kiến trúc sư ở độ tuổi thanh niên. Nhưng khác với năm 1984, nó thành hiện thực.

Sân chơi Cầu Vồng đã xây xong sân chơi ở điểm trường Ma Bó. Họ đã xây thêm những sân chơi ở Gia Lai, Đăk Nông, Sơn La… và vẫn đang trên đường tạo ra thêm những sân chơi nữa khắp cả nước. Những tình nguyện viên mới đến bên cạnh các nhà sáng lập, những kiến trúc sư công trình, họa sĩ và chuyên gia truyền thông - cùng vận hành dự án.

“Nếu em cản tụi nó không cho chi cái này cái kia, tụi nó sẽ bỏ tiền túi ra luôn”, Thảo nói về những thành viên của mình. Khi tôi hỏi Thảo, rằng em sẽ mô tả những đồng sự của mình thế nào, cô tóm tắt: “Nếu có một quyết định tốt cho những người hưởng lợi, chắc chắn tụi em sẽ làm”. Đó có thể là tự bù phần vượt ngân sách, là thức trắng đêm vẽ thêm, hay là lội về vùng sâu để khảo sát và giám sát.

Sân chơi Cầu vồng không phải là nhóm duy nhất đang xây dựng sân chơi miễn phí cho trẻ em tại Việt Nam. ThinkPlayground, Đại học không giảng đường và nhiều nhóm thanh niên tình nguyện khác phát động xây sân chơi. Và có từ nào tốt hơn để mô tả hiện thực ấy, ngoài “giàu có”.

Những điều "viển vông"

Sự “giàu có” của một xã hội không chỉ đo bằng vật chất, bằng cơ bắp của bê tông, cơ khí và tốc độ xử lý: nó có thể đo bằng quyền được nghĩ về những điều đẹp đẽ.

Từ điểm nhìn đương đại, nhận ra rằng giữ một xóm làm nông nghiệp, như Ngọc Hà, ngay ở Ba Đình là nhiệm vụ hoang đường. Chuyện thành phố cũng như chuyện đời người: chúng ta không đủ nguồn lực để vừa đuổi theo những mơ ước lý tưởng, vừa đáp ứng những nguyện vọng vật chất.

Mà nguyện vọng của một thời, bức thiết, là thoát nghèo. Nhìn từ trên cao, làng hoa Ngọc Hà là một đồ án đẹp đẽ. Nhưng từ dưới mặt đất, là những ông bố bà mẹ bán đất vườn để dựng vợ gả chồng cho con; những thanh niên trưởng thành muốn cất một căn nhà cho gia đình nhỏ; và cả những người nhập cư, đến đây để cùng xây dựng Hà Nội, dành dụm mấy mươi năm và cũng mong ước một mảnh đất cất nhà.

Đó là những con người đã trải qua cái đói cái rét, và mong ước thay đổi cuộc sống, gói trong những khang trang nhà tầng, cao rộng tường vôi.

Rất dễ để một bậc trí thức nào đó thốt lên lời oán trách quá khứ, rằng tại sao không giữ cái này, giữ cái kia. Nhưng trách móc quá khứ rất giống một lời than vãn phong long. Nếu quá khứ để lại cho chúng ta sự tiếc nuối, nó phải là tài sản để hành động trong tương lai.

Những người như Dương Thảo quan niệm sự “phát triển” của xã hội bằng những sân chơi - bằng việc trẻ em có không gian chơi, phát triển thể chất và tinh thần theo hướng tích cực. Đó không phải là một thước đo mơ hồ. Trong vòng hơn 30 tiếng kể từ lúc bắt đầu kêu gọi rộng rãi cho Sân chơi Cầu vồng thứ 4 - từ 0h ngày 6/8 đến buổi trưa ngày 7/8 - có 40 người đã chuyển khoản đủ để nhóm xây dựng một sân chơi mới tại Đắk Nông.

Trong số này, có những nhà tài trợ ẩn danh chuyển khoản 5 triệu, 3 triệu,… Trong số người đã nhấn nút, có những kiến trúc sư lão làng, doanh nhân quan trọng, cán bộ cấp cao.

Một tình huống sức mạnh kinh tế của cộng đồng được “phân luồng” thành sức mạnh của những ước mơ.

Trồng những nhành hoa

Thảo cho rằng “rất dễ nhận ra” quan niệm của thế hệ đã thay đổi: những người sinh ra trong các thập niên kể từ sau khi đất nước mở cửa mang một thước đo giá trị khác. Họ không còn bị trói vào nhị nguyên tăng trưởng, băn khoăn giữa “công ăn việc làm ổn định” và “mơ mộng hão huyền”. Nếu cần, họ có thể bỏ việc ngay ngày mai để theo đuổi những con đường tạo dấu ấn lên cộng đồng.

Và “lương thưởng” của những con người này cũng không còn thuần túy là vật chất. Khao khát “làm giàu” của họ cao hơn thế.

“Có một người cha nói với em rằng, ngày xưa gia đình họ phải đi tới 30 cây số để đến nơi có công viên, con anh ấy mới có sân chơi. Bây giờ tụi em đã biến 30 cây số thành Không”, Thảo kể về phần thưởng của mình. Cô quan niệm rằng sân chơi không mang đến một niềm vui, mà hàng trăm niềm vui cùng lúc - cho tất cả các bạn trẻ trong một ngôi trường - và niềm vui đó cứ được kéo dài mãi năm này qua năm kia.

“Trong cuộc này em là người được nhiều nhất”. Những người trẻ này, họ thậm chí còn không quan niệm rằng mình đang “cho đi”, mà đang nhận lại, cảm giác tích cực, năng lượng sống và niềm vui.

Cô đã ngồi xuống, tâm sự lại với ba mẹ về mơ ước của mình. Họ đã hiểu, và bây giờ quay lại giúp đỡ Sân chơi Cầu vồng.

Nhiều thầy cô cũng bất giác hiểu hơn về chính ngôi trường của mình. Thảo kể về một ngôi trường miền cao, nơi từng có một khối nhà hư hỏng. Chính vì một cái sân chơi mọc lên ở đó, mà bỗng cơ quan quản lý giáo dục muốn sửa khối nhà đó để đưa các em về học: sự tử tế như quả bóng tuyết càng lăn càng lớn.

Bốn mươi năm trước và bốn mươi năm sau, đói nghèo hay dư giả, mưa bom hay đại dịch, thực ra tâm hồn con người Việt Nam không thay đổi. Họ vẫn cầm bút và vẽ lên những tưởng tượng thanh cao, tử tế và đẹp đẽ.

Chỉ có điều các chủ nhân mới đã cho sự thịnh vượng một bộ đo khác.

Sân chơi Cầu vồng cũng nghĩ đến ngày dừng lại. Nếu không gọi được tiền nữa, không gọi được tình nguyện viên nữa, nếu các thành viên cũng đến ngày phải đối mặt với những thách thức đời thường và rời đi, nhóm có thể sẽ phải ngừng. “Nhưng điều quan trọng nhất, là bọn em được sống như một nhóm thanh niên tử tế”, họ nói.