Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua Bộ GTVT được phân công chủ trì xây dựng nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo trình tự thủ tục rút gọn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm vừa ký tờ trình Chính phủ ban hành nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Theo Bộ GTVT, Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật là quy định nhà nước thu phí với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Theo đó, đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công và đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác sẽ thực hiện thu phí.
Căn cứ luật, việc xây dựng nghị định quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định rõ về loại hình và đối tượng thu phí, phương án tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi, công khai và minh bạch.
Theo ban soạn thảo, dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và điều kiện thực tiễn.
Đồng thời nghị định ra đời nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, đồng thời đảm bảo khả thi và thuận lợi trong quá trình thực hiện, góp phần tăng cường hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.
Thu phí sử dụng đường bộ cao tốc hết sức cần thiết
Lý giải thêm căn cứ cho việc xây dựng nghị định, Lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết thêm, trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc theo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vốn bảo trì hệ thống quốc lộ hàng năm hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Vì vậy, việc huy động nguồn lực từ khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu nhà nước góp phần quan trọng để nhà nước có thêm nguồn lực thực hiện công tác bảo trì các tuyến cao tốc hiện hữu, cũng như để đầu tư cho các dự án cao tốc mới. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo dịch vụ tương xứng với mức phí trên các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh về số lượng, sự đa dạng của phương tiện và các hình thức vận tải như hiện nay thì việc tổ chức thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng phương tiện, giảm áp lực về mật độ phương tiện, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, tăng tuổi thọ công trình và giảm chi phí bảo trì trên các tuyến cao tốc cũng như các tuyến đường bộ song hành.
“Từ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên cho thấy việc xây dựng và ban hành nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết”, đại diện ban soạn thảo nghị định thông tin.
Đặc biệt, việc xây dựng mức phí trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng đường bộ cao tốc.
Mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT được đề xuất 2 mức:
Mức phí đối với đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) từ 1.300 - 5.200 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Mức phí đối với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2 ) từ 900 - 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Cụ thể 5 nhóm phương tiện chịu phí gồm: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi và xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên...
Có 10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.