Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) khả năng cao không tham dự V-League 2023 sau khi Công ty cổ phần (CTCP) Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phán quyết không đồng ý để HAGL bắt tay với nhà tài trợ mới bởi đụng chạm quyền lợi.
Lý do được HAGL đưa ra là khó khăn tài chính khi thiếu nhà tài trợ.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi ngay trước Tết Nguyên đán 2023, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Bầu Đức báo lãi nghìn tỷ đồng trở lại sau 8 năm vật lộn với khó khăn.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố, HAGL ghi nhận doanh thu năm 2022 tăng gấp hơn 2,4 lần so với năm 2021 lên 5.081 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 1.181 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần.
Như vậy, Hoàng Anh Gia Lai đã lãi nghìn tỷ trở lại sau 8 năm. Trươc Tết, HAGL của Bầu Đức công bố thưởng đậm cho nhân viên, mức cao nhất lên tới 150 triệu đồng, thuộc về người "trồng chuối".
Năm 2022 được coi là một năm hồi sinh sau thập kỷ khó khăn, nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai.
HAGL cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của HAGL cho thấy doanh nghiệp của Bầu Đức vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong năm 2022, HAGL ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 1.165 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới hơn 1.634 tỷ đồng (trong đó, chi phí lãi vay gần 779 tỷ đồng). Doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí bán hàng hơn 251 tỷ đồng.
Như vậy, trên thực tế Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2022 đã lỗ nếu chỉ lấy lợi nhuận gộp trừ đi chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Khoản lỗ lên tới hơn 700 tỷ đồng.
Nhưng trên báo cáo tài chính, HAGL vẫn ghi nhận khoản lãi 1.180 tỷ đồng do chi phí quản lý doanh nghiệp được hạch toán dương 1.402 tỷ đồng. Sở dĩ có điều này là bởi HAGL đã tăng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, tổng cộng lên tới hơn 1.561 tỷ đồng.
Khó khăn còn lớn
Ngoài lợi nhuận gộp năm 2022 vẫn lỗ, tình hình sức khỏe tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cũng không thực sự tốt khi dòng tiền âm năm thứ 5 liên tiếp. Trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 200 tỷ đồng, trong khi năm trước âm hơn 640 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hoạt động kinh doanh chính của HAGL vẫn chưa có dấu hiệu tạo tiền, vẫn tiếp tục thâm hụt vốn kéo dài.
Một điểm cũng đáng lưu ý là: HAGL không hạch toán chi phí phát triển vườn cây vào chi phí phát sinh trong kỳ, mà lại vốn hóa đưa vào chi phí xây dựng dở dang.
Tính đến cuối 2022, HAGL ghi nhận chi phí phát triển vườn cây là gần 2.959 tỷ đồng, cao hơn so với mức 2.366 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng chi phí phát triển vườn đã được vốn hóa.
Chi phí dự án chăn nuôi trong năm 2022 ghi nhận 1.616 tỷ đồng, tăng mạnh so với 938 tỷ đồng cuối năm 2021.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cho Học viện bóng đá HAGL JMG chỉ có 2,39 tỷ đồng, so với 1,46 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
HAGL cũng ghi nhận nợ phải trả tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng thêm 2.200 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn giảm. Vay nợ ngắn hạn cũng tăng mạnh, thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, HAGL công bố thông tin chậm thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng lãi và gốc trái phiếu (theo lịch là 30/12/2022) do nguồn tiền thanh toán là từ khoản nợ của HAGL Agrico và thanh lý một số tài sản của HAG.
Hồi tháng 5/2022, ông Đoàn Nguyên Đức đã bán nốt 3 triệu cổ phần cá nhân tại đế chế nông nghiệp tỷ USD HAGL Agrico (HNG). Sau thương vụ, ông Đoàn Nguyên Đức không còn nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp nông nghiệp được kỳ vọng là số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Đông Nam Á.
Bầu Đức bán cổ phiếu HAGL Agrico, khi giá cổ phiếu ở vùng đáy lịch sử, khoảng 6.300 đồng/cp. Số cổ phần này Bầu Đức đã mua cách đó hơn một năm với mức giá trên 11.000 đồng/cp.
HAGL Agrico gặp rất nhiều khó khăn trong nửa thập kỷ qua. Vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai đã bán cổ phần và chuyển quyền kiểm soát cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Mặc dù doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng Bầu Đức vẫn được xem là một người đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Ông nổi tiếng nhờ đi đầu trong việc đào tạo bóng đá trẻ và mời được HLV Park Hang Seo, qua đó mang đến một tầm cao cho bóng đá Việt.