Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều nữ hoàng tài sắc vẹn toàn, lãnh đạo cả một đế chế thành công dẹp giặc ngoại xâm và phát triển xã hội thịnh vượng. Dưới đây là một số nữ lãnh đạo quyền lực nhất được ghi nhớ đến ngày nay.
Theo World History, Theodora sinh tại đảo Síp, Hy Lạp, vào năm 500. Bà lớn lên trong một gia đình tầng lớp dưới, với cha là một nài ngựa còn mẹ là người phục vụ trong một quán rượu. Sau khi cha mẹ qua đời, Theodora đã phải trở thành một vũ nữ và lang bạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai.
Vào thời La Mã cổ đại, việc những vũ nữ thoát y khi biểu diễn không phải là điều lạ. Với nhan sắc trời phú của mình, Theodora nhanh chóng trở nên nổi tiếng và trở thành "người trong mộng" của rất nhiều nam giới ở La Mã.
Trong số những người ái mộ Theodora, Justinian là nhân vật đặc biệt và quyền lực nhất. Người đàn ông này là cháu của Hoàng đế Justin I, đồng thời cũng là người điều hành hầu hết công việc của đế chế Byzantine. Dù đã có vợ con, nhưng Justinian vẫn vô cùng mê đắm Theodora và tìm mọi cách để cưới cô vũ nữ làm vợ.
Luật pháp La Mã khi đó nghiêm cấm các đại thần kết hôn với vũ nữ, nhưng Justinian đã dùng sức ảnh hưởng của mình để yêu cầu Hoàng đế xóa bỏ đạo luật này vào năm 525. Ngay sau đó, một hôn lễ linh đình giữa Justinian và Theodora đã diễn ra, giúp bà trở thành một phu nhân giàu có và quyền lực.
Tới năm 527, Justinian kế vị ngai vàng từ người chú của mình, và Theodora chính thức trở thành Hoàng hậu của Đế chế Đông La Mã. Dĩ nhiên, việc một vũ nữ trở thành Hoàng hậu đã gây ra nhiều bất mãn, và các thế lực đối lập đã tiến hành một cuộc đảo chính nhắm vào bà.
Cuộc đảo chính lan nhanh đến mức Hoàng đế Justinian lo sợ và muốn trốn đi nơi khác. Nhưng Theodora thì không, bà sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vị trí của mình. Điều này đã tiếp thêm can đảm cho Justinian và ông quyết tâm cùng vợ chống lại quân phản loạn.
Bằng sự thông minh của mình, Theodora đã sử dụng tiền bạc để ly gián phe đảo chính. Khi tình thế đã trở nên có lợi, Nữ hoàng ngay lập tức tổ chức một trận chiến bất ngờ nhằm đánh tan lực lượng phản loạn.
Sau khi dẹp tan cuộc đảo chính, Theodora cùng chồng tập trung vào việc xây dựng và cải cách thủ đô Constantinople, nhằm biến thành phố này trở thành một nơi phồn hoa nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thế kỷ.
Dù là Hoàng hậu, nhưng Theodora cũng là người kiểm soát các vấn đề đối ngoại và luật pháp của Đế chế. Nhằm thu hút thêm nhiều người dân cho thủ đô, bà đã cho cải tạo hệ thống cầu đường và cống thoát nước. Đặc biệt, bà còn cho xây mới thêm 25 nhà thờ, bao gồm cả Hagia Sophia - một trong những kỳ quan kiến trúc của thế giới.
Thấu hiểu sự những nỗi khổ của phụ nữ, Theodora đã ban hành nhiều chính sách nhằm gia tăng quyền lợi của phái yếu. Cụ thể, Hoàng hậu đã thông qua luật cấm ép buộc mại dâm tại các nhà thổ, ban thêm quyền cho phụ nữ khi ly hôn và quyền sở hữu tài sản, lập án tử hình cho hành vi hiếp dâm,... Bên cạnh đó, nhiều tu viện cũng được mở ra nhằm cung cấp nơi ở cho những vũ nữ muốn hoàn lương.
Tới năm 548, Theodora qua đời vì bạo bệnh. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh đời sống cá nhân, nhưng Hoàng hậu Theodora vẫn được nhớ tới như một trong số những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử thế giới.
Marie Antoinette sở hữu nhan sắc vô cùng xinh đẹp, trở thành hoàng hậu Pháp khét tiếng ăn chơi bậc nhất châu Âu nhưng có kết cục cuộc đời vô cùng bi thảm.