Học cưỡi ngựa Điêu Thuyền, Lã Bố phong cách châu Âu giá 6 triệu đồng ở Hà Nội
Học viên bỏ từ 5-6 triệu đồng được tham gia khóa học cưỡi những con ngựa mang tên một số nhân vật trong truyện Tam quốc diễn nghĩa như Lã Bố, Điêu Thuyền tại một trang trại ở Vân Canh (Hà Nội).
Trang trại ngựa thuần chủng tại Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với gần 30 con được nhập từ nhiều nước khác nhau như Anh, Đức, Mông Cổ. Chưa kể chi phí phát sinh về giấy tờ, kiểm dịch, chi phí một con lên tới hơn 400 triệu đồng cho huấn luyện theo phong cách quý tộc châu Âu và nhiều dịch vụ tham quan, trình diễn khác.
Những con ngựa tại đây được đặt tên mô phỏng theo các nhân vật trong truyện Tam quốc diễn nghĩa như Lã Bố, Điêu Thuyền... để tiện chăm sóc và huấn luyện.
Hiện trang trại có dịch vụ dạy cưỡi ngựa được nhiều người ưa thích, trong đó có nhiều phụ nữ. Theo chị Nguyễn Thị Hòa Hợp, người quản lý trang trại, cưỡi ngựa sẽ giúp học viên có sự chuyển động đa chiều. "Những bộ phận như cột sống, cổ, vai gáy và trí não đều phải tập trung về phía trước. Ngoài ra, học viên còn phải vượt qua nỗi sợ của bản thân, nếu không chúng sẽ ương bướng và không nghe theo mệnh lệnh của con người. Bộ môn này giúp học viên rèn luyện sức khỏe, tập trung cao độ và có được ý chí mạnh mẽ", chị Hợp nói.
Ngoài trang phục là mũ bảo hiểm, bốt cao cổ thì yên ngựa cũng là một trong những phụ kiện không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho học viên cũng như cho cột sống của ngựa.
Cưỡi ngựa không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn phải thể hiện sự tương tác với con vật thật tốt như từ việc cho ăn, vuốt ve và dắt ngựa đi 4 vòng sân (2 vòng trái, 2 vòng phải). Khi ngồi trên lưng ngựa, học viên cần kiểm soát tình huống, giúp con vật có một tinh thần thoải mái trước buổi tập.
Thông thường một khóa học sẽ kéo dài 12 buổi, chi phí dao động từ 5 triệu - 6 triệu đồng. Trong những năm gần đây bộ môn này trở nên thu hút với nhiều người Việt Nam nhất là các gia đình có trẻ nhỏ. "Việc cưỡi ngựa sẽ giúp các bé trở nên nhanh nhẹn, biết quan tâm, chăm sóc và thể hiện tình cảm nhiều hơn với mọi thứ xung quanh", chị Hợp nói.
Anh Bùi Thành Hải (26 tuổi), huấn luyện viên ngựa chuyên nghiệp với 8 năm kinh nghiệm trong nghề cho hay để cưỡi ngựa thuần thục học viên phải trải qua ít nhất 12 buổi, mỗi buổi kéo dài 30 - 45 phút. Tại đây, học viên được dạy cách điều khiển ngựa đi bộ, vòng tròn, dích dắc, sau đó đến chạy đường dài, phi nước kiệu, leo dốc. Khi hoàn thành, các khóa học người chơi sẽ có một buổi thi và để cấp chứng chỉ.
Phương Ngân đã có gần 3 năm kinh nghiệm cưỡi ngựa theo phong cách quý tộc châu Âu. Em cưỡi thuần thục các kỹ năng cơ bản và có thể khống chế được chú ngựa "khó tính" nhất trong bầy. "Môn thể thao này cần tính kiên trì và thực sự phải yêu quý động vật. Trước đây em khá là rụt rè, nhút nhát trong việc giao tiếp. Sau khi biết cưỡi ngựa, em trở nên tự tin, chủ động và vượt qua nhiều nỗi sợ của bản thân", anh Thành Phong (bố của Ngân) tâm sự.
Sau một ngày dài mệt mỏi và đầy bụi, ngựa được tắm và chải lông. Khoảng thời gian này chúng có vẻ thích thú và được giải tỏa sự căng thẳng.
Thực phẩm chính của ngựa tại đây là cỏ tươi, khô và cám xay nhuyễn. Một ngày chúng được cho ăn 2 lần vào 6h và 18h, toàn bộ thực phẩm khô đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Đều đặn 3 ngày mỗi tuần anh Cao Văn Trung đi từ Ngã Tư Sở lên Khu đô thị Vân Canh (khoảng 15km) để thăm Wambly. "Tôi đã cưỡi ngựa gần 1 năm, Wambly là người bạn của tôi. Đây không chỉ là một môn thể thao mà nó còn giúp mình gắn kết tình cảm hơn với động vật, kỹ năng giải quyết vấn đề và vượt qua nỗi sợ của bản thân", anh Trung nói.
Nhiệt độ thích hợp để ngựa có thể phát triển tốt là từ 28-30 độ C. Vì vậy, không gian nuôi dưỡng phải có quạt mát, hai bên chuồng là dạng lưới để tránh bí bách, thức ăn phải luôn được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để chúng phát triển khỏe mạnh.