Già nửa số người lấy bằng lái xe rồi…cất tủ
Ngày 11/11 vừa qua, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến cho rằng cần siết chặt đối với việc đào tạo, sát hạch lái xe cũng như quản lý người lái.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có đề cập tới vấn đề cần kiểm tra với những người đã có bằng lái nhưng không lái xe thường xuyên.
“Hiện nay có người thi bằng lái xong và lái xe thường xuyên. Đương nhiên khi thực hành nhiều thì kỹ năng sẽ tốt hơn. Nhưng có những người được cấp bằng lái xe, có khi cả năm chẳng lái, chắc chắn tay nghề kém hơn. Bây giờ cần tính toán như nào để kiểm tra đối tượng này”- ông Đức nhấn mạnh.
Trên thực tế, những trường hợp có có giấy phép lái xe nhưng không được thực hành thường xuyên như đại biểu Quốc hội đề cập là có căn cứ vì không phải ai cũng có điều kiện để lái xe hàng ngày.
Anh Tạ Quang Hưng (38 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, anh đã có giấy phép lái xe từ cách đây khoảng 10 năm nhưng số lần lái ô tô thực tế trên đường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Hồi đấy mấy ông bạn thân rủ đăng ký học lái xe, thế là cũng đi vì nghĩ rằng đàn ông kiểu gì cũng cần đến. Thế nhưng do không có nhu cầu mua xe nên từ đó đến nay bằng lái xe ô tô của tôi rất ít khi dùng đến, trước đây còn để ở ví nhưng bây giờ cất luôn trong tủ cho đỡ chật”, anh Hưng nói
Anh Hưng chia sẻ thêm, do ít được lái xe nên khi có dịp đi chơi bằng ô tô với bạn bè hay gia đình, anh cũng khá e ngại và cảm thấy thiếu tự tin khi cầm vô lăng.
Còn Nguyễn Mỹ Linh (20 tuổi, sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, em vừa học và thi được giấy phép lái xe cách gần 3 tháng. Nhưng từ đó đến nay em chưa từng một lần lái xe ra đường vì… bố chưa cho.
“Bố mẹ em khuyến khích cho em đi học lái xe sớm, nhưng xe thì không cho động vào vì bố em nói khoảng cách từ khi có bằng đến lúc lái xe thành thạo còn rất xa. Có lẽ sau khi học xong đại học em mới được bố mẹ cho lái xe thường xuyên”, Linh chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thanh – Giảng viên một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại Hà Nội cho biết, học viên của ông rất đa dạng, từ công chức, sinh viên, thanh niên đến người lớn tuổi. Mỗi người lại có những mục đích khác nhau khi cầm trên tay giấy phép lái xe.
Có người học xong để mua xe đi lại hoặc làm công cụ kiếm sống, còn có người chỉ coi giấy phép lái xe ô tô như một thứ hiển nhiên phải sở hữu, lấy bằng xong cứ để đấy mà chưa dùng đến ngay.
“Tôi đã dạy và hướng dẫn đến vài trăm người, trong đó già nửa số học viên của tôi lấy bằng lái xe xong rồi cũng chỉ để…cất tủ”, ông Thanh khẳng định.
Nếu quá lâu không được luyện tập lái xe thì các kỹ năng, phản xạ sẽ dần mất đi |
Hiểm nguy khi ra đường
Nhiều chuyên gia và những lái xe lâu năm cũng cho rằng, nếu một người ít động đến vô lăng thì khi lái xe ra đường có cẩn thận nhìn trước nhìn sau đến đâu cũng không thể đọc tình huống và có những phản xạ như một người hằng ngày lái xe được.
Mặt khác, giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM rất phức tạp, chỉ một sơ sẩy nhỏ có thể dẫn đến những nguy hiểm cho bản thân và người khác, tiền mất tật mang. Nhiều người không chỉ ngại lái mà còn sợ lái.
Về kỹ năng của những lái mới, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định, ở các cơ sở dạy lái xe hiện nay, giảng viên chủ yếu dạy cách để vượt qua được kỳ sát hạch, mục tiêu là lấy bằng chứ không thể bổ khuyết cho học viên những kinh nghiệm xử lý tình huống trong thực tế.
Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, việc có bằng lái xe chỉ đơn giản là bước đầu tiên được Luật pháp công nhận, cho phép điều khiển ô tô. Còn việc người tham gia giao thông điều khiển phương tiện có đúng quy định và an toàn hay không lại phụ thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân.
“Làm bất cứ công việc gì, nhất là việc lái xe thì “trăm hay không bằng tay quen”. Lái xe là quá trình liên tục tích luỹ kinh nghiệm và phản xạ kịp thời với các tình huống bất ngờ. Nếu quá lâu không được luyện tập thì đương nhiên các kỹ năng sẽ dần mất đi”, ông Thanh bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia lái xe an toàn Dương Trung Kiên nhận định, việc nhiều người có bằng nhưng không thường xuyên sử dụng ô tô có thể do nhiều nguyên nhân: Do họ chưa sở hữu và ít có cơ hội lái xe; ngại điều khiển một chiếc xe không quen; do sợ phải đi đường đông, đường lạ và sợ bị cảnh sát giao thông phạt;…
“Người ít lái xe sẽ rất dễ “ngợp” khi ra đường, dẫn đến chân tay lóng ngóng, phản xạ kém, mất an toàn. Do vậy, nếu quá lâu không lái xe thì chỉ nên tập làm quen lại ở những nơi trống trải, vắng vẻ hoặc đoạn đường dễ chứ không nên đi ngay vào những tuyến đường đông đúc phức tạp hay đường cao tốc,…”, ông Kiên đưa ra lời khuyên.
Việc ít được tiếp xúc, điều khiển phương tiện sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng của lái xe. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc kiểm tra và xử lý đối với những người có bằng nhưng ít lái như một số đề xuất là không khả thi.
“Có bằng lái phù hợp đương nhiên là đã được pháp luật cho phép lái xe. Các cơ quan chức năng sẽ chỉ xử lý lái xe thông qua hành vi vi phạm cụ thể chứ không ai có thể kiểm soát xem người đó là lái mới hay người ít lái xe”, một chuyên gia nhận định.
Các chuyên gia lái xe an toàn cho rằng, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cho chính bản thân mình, các tài xế "non tay", thiếu kinh nghiệm nên chủ động luyện thêm tay lái trước một chuyến đi, cần có thêm người hướng dẫn khi tham gia lưu thông giao thông và thuộc nằm lòng kiến thức an toàn giao thông cũng như kỹ năng cần thiết.
Hoàng Hiệp
Theo bạn, với tình trạng người có bằng lái xe nhưng "cất tủ" thường xuyên, cả năm lái đôi lần, liệu có giải pháp nào để đảm bảo ATGT? Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Vì sao có đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước?
Nhiều người vẫn có thói quen cho con nhỏ ngồi ở ghế phụ phía trước, hoặc thậm chí để con ngồi trong lòng khi đi xe. Tuy nhiên, điều này tiền ẩn nhiều nguy hiểm và trong thời gian tới còn có thể bị phạt nặng.