- Khi bị cô giáo chủ nhiệm gọi lên kiểm tra bài, em Đỗ Anh Tuấn (học sinh lớp 1A2, Trường tiểu học Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) không đọc được lẫn viết sai chính tả nhiều nên bị cô giáo dùng roi đánh tới tấp.

Ngày 8-5, ông Vũ Minh Quyết - phó trưởng giáo dục đào tạo huyện Vũ Thư, xác nhận sự việc trên xảy ra tại Trường tiểu học Vũ Vinh vào chiều 2/5.

Theo ông Quyết, phòng cũng đã nhận được báo cáo của nhà trường và đang chỉ đạo xác minh, làm rõ.

Theo đó, vụ việc xảy ra vào chiều 2-5 khi giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 là cô Phạm Thị Mơ gọi học sinh Đỗ Anh Tuấn lên để kiểm tra bài.

Tuy nhiên, do em Tuấn không đọc được và viết sai chính tả nên cô Mơ phạt bằng cách dùng roi đánh liên tiếp vào hay cánh tay. Khi phụ huynh đến đón con từ trường về thì phát hiện trên tay con hằn lên những vết bầm tím, gạn hỏi mãi thì Tuấn mới kể lại việc bị cô giáo Mơ đánh.

{keywords}
 

Quá bức xúc và xót xa khi nhìn vết thương của con nên ngay trong tối cùng ngày, chị Quế (mẹ của cháu Tuấn, trú tại Tân Mỹ, thôn Bộ La, xã Vũ Vinh) đã nhờ một phụ huynh dẫn cháu Tuấn đến nhà riêng của cô hiệu trưởng Bùi Thị Lĩnh để phản ánh sự việc đồng thời yêu cầu nhà trường "nhắc nhở" giáo viên để tránh những sự việc tương tự xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Lĩnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Vũ Vinh, thừa nhận khi phụ huynh dẫn cháu Tuấn đến nhà thì đích thân bà đã kiểm tra, phát hiện trên tay phải cháu có những vết roi nhưng đã mờ, tay trái cháu Tuấn vẫn còn lằn lên 3 vết "lươn" bầm tím.

Ngày hôm sau, em học sinh này vẫn được gia đình đưa đến lớp học bình thường do sắp đến kì kiểm tra lên lớp cuối năm.

"Ngay buổi học sáng ngày 3-5, tôi đã yêu cầu cô Mơ viết bản tường trình sự việc theo như phản ánh của phụ huynh học sinh. Bản thân cô Mơ cũng thừa nhận có dùng roi đánh em Tuấn và xin được nhận khuyết điểm." – bà Lĩnh thông tin.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo công đoàn giáo dục và cô Thanh (tổ trưởng tổ 1, 2, 3) một mặt động viên tinh thần cô Mơ để cô giáo này “yên tâm” giảng dạy, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến tâm lý, tình trạng sức khỏe của em Đỗ Anh Tuấn để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Cô Mơ cũng đã chủ động đến xin lỗi và nhận khuyết điểm với gia đình em Tuấn. Đích thân tôi cũng đến nhà riêng em học sinh này tìm hiểu sự việc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của gia đình cũng như em học sinh để có những bước xử lý tiếp theo" - bà Lĩnh cho hay.

Theo ông Vũ Minh Quyết - phó trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Vũ Thư, đến tận ngày 7/5 vừa qua thì phòng mới nhận được báo cáo của Trường tiểu học Vũ Vinh về sự việc.

Trong báo cáo này cũng đã nêu rõ các bước xử lý giáo viên vi phạm đã được thực hiện theo quy định.

Theo đó, nhà trường yêu cầu cô giáo Phạm Thị Mơ trực tiếp viết bản tường trình, bản kiểm điểm; tại buổi giao ban đầu tuần thì hiệu trưởng cũng quán triệt cán bộ, giáo viên trong trường chú trọng đến đạo đức nhà giáo, phương pháp giảng dạy... để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Lãnh đạo Trường tiểu học Vũ Vinh, cũng cho biết hiện nay học sinh Tuấn vẫn đi học bình thường, sức khỏe và tâm lý ổn định.

“Ở trường thì Tuấn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, hòa đồng cùng các bạn đồng trang lứa. Chỉ có điều học sinh này tiếp thu hơi chậm so với các bạn cùng khối, lớp. Khả năng đọc, viết và làm Toán chậm.” – bà Lĩnh chia sẻ.

Theo bà hiệu trưởng nhà trường, hiện nay đã giao Tổ trưởng tổ chuyên môn cùng với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên động viên, kèm cặp, bồi dưỡng thêm kiến thức để em Tuấn có thể vượt qua được kỳ kiểm tra cuối năm học sắp tới.

Nhận xét về cô giáo Phạm Thị Mơ, bà Lĩnh cho biết đây là giáo viên có thâm niên, nhiều năm liền đạt thành tích giáo viên giỏi cấp huyện, chưa bao giờ có ác cảm với học sinh, không vi phạm kỷ luật.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra vừa qua là do tính cách cô Mơ “hơi nóng nảy”.

Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo Phạm Thị Mơ đã thành khẩn nhận khuyết điểm, hứa sẽ nghiêm túc sửa chữa và không tái phạm.

Được biết, Trường tiểu học Vũ Vinh là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 (lần 2) vào năm 2012. Hiện tại ngôi trường này đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn lần 2 vào năm học tới.

Hoài Anh

Cuộc cách mạng mềm cho giáo dục: Tôn trọng và yêu thương

Cuộc cách mạng mềm cho giáo dục: Tôn trọng và yêu thương

Môi trường giáo dục hiện nay cần một cuộc cách mạng mềm, với nền tảng của sự tôn trọng và yêu thương. Một Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường chỉ là đối phó.