Đưa pháp luật vào cuộc sống để người dân chấp hành pháp luật một cách tự giác, sử dụng luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ đó xây dựng xã hội văn mình, hiện đại và an toàn là mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến.

Đặc biệt với lứa tuổi học sinh, tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn thường xuyên có nhiều chương trình thiết thực để giúp các em tiếp cận pháp luật. Ngoài học tập qua tài liệu trên nhà trường, xuất bản thông tin pháp luật lên các trang thông tin điện tử… tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên đổi mới cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các em.

phap-luat-vinh-phuc-1.jpg
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu pháp luật của học sinh tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ ngày 11/12 đến 18/12/2023, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi ngoại khóa phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và một số quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cho học sinh tại 9 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, với trên 10.000 học sinh tham dự.

Các buổi ngoại khóa phổ biến, giáo dục pháp luật diễn ra sôi động với sự giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường tại các trường THCS như: Nhận thức về bạo lực học đường, nguyên nhân của bạo lực học đường, cách phòng, chống bạo lực học đường. Những quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội tại các trường THPT như: Phân biệt tội phạm với phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác, đồng phạm, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, phân loại tội phạm, nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Một số vụ án liên quan đến đối tượng là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi với các tội phạm như: Trộm cắp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, tàng trữ trái phép chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông đường bộ, mua bán trái phép chất ma túy…

Qua các buổi ngoại khóa nhằm trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản và những kỹ năng cần thiết để học sinh hiểu và thực hiện tốt pháp luật ngay từ khi còn đang ngồi học trên ghế nhà trường, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh hình thành thói quen chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật, góp phần xây dựng một môi trường học đường lành mạnh.

Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cũng phát động các trường trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật. Trong giai đoạn hiện nay, học sinh được tiếp xúc với Internet sớm, việc sử dụng mạng xã hội như nhóm Zalo, Facebook cũng là cách giúp các em tiếp cận pháp luật hiệu quả, định hướng hành vi và suy nghĩ tốt hơn trong tương lai. 

Mai Hương và nhóm PV, BTV