Sau hơn 3 năm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ứng dụng Zalo, Facebook để liên hệ, nhận thông tin trong nhóm riêng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 2, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang Phạm Thị Hồng Thắm cùng với các thành viên trong Ban chấp hành Chi hội đã có thói quen tiếp nhận các thông tin tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương. Nhờ đó, các hội viên phụ nữ được cập nhật các văn bản pháp luật nhanh chóng, kịp thời, phục vụ cho công việc, cuộc sống hàng ngày.

Để thực hiện tốt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. 

Trong năm 2022, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến 3 cấp với 205 điểm cầu triển khai Luật Biên phòng Việt Nam 2020; Luật Phòng, chống ma tuý năm 2020; Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020; văn bản pháp luật về thuế cho 4.619 đại biểu tham dự.

Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các huyện cũng tổ chức hội nghị triển khai cho trên 700 đại biểu tham dự.

Cũng trong năm 2022, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp đã thực hiện 2.186 buổi tuyên truyền cho trên 300 nghìn lượt người tham gia; cung cấp 222.130 tờ gấp, tờ rơi, sách, báo, bản tin tuyên truyền pháp luật; 788 buổi tuyên truyền pháp luật bằng xe máy cùng với hệ thống loa phóng thanh; 378 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động; tổ chức 112 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút trên 55.000 lượt người tham gia. 

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Các hình thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả trên các kênh, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube cũng được các ngành khai thác, sử dụng phù hợp với nhiều đối tượng tiếp cận. 

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, một số người dân chưa có ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng sử dụng pháp luật nhằm thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cũng như thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Ở một số nơi, nội dung phổ biến pháp luật chưa bám sát nhu cầu thực tiễn cuộc sống của người dân; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Do đó, việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân là rất cần thiết để kích thích nhu cầu và thói quen tìm hiểu pháp luật của người dân trước khi làm mọi việc để tránh được rủi ro, vướng mắc pháp lý.

Trong đó, tỉnh Hà Giang xác định thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp không thể thiếu để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật của nhân dân. 

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động hỗ trợ pháp luật trực tiếp cho người dân ở cơ sở cũng phải nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.

Bình Minh và nhóm PV, BTV