- Đầu tháng 10/2017 Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC

1. Bạn đọc là “Trưởng ban phụ huynh” các lớp 10S, 10A2, 11P1, 11V, 12 SH…trường Trung học phổ thông Hà Nội- Amsterdam đồng ký tên trong “đơn tố cáo” đề ngày 27/9/2017. Nội dung: Nhà trường cho Công ty CP Thể thao và Giải trí Long Sơn thuê cơ sở vật chất như sân tennis, sân bóng đá, nhà tập, bể bơi…biến thành tổ hợp kinh doanh, dịch vụ… phục vụ cho nhiều khách lạ, tự do ra vào khuôn viên nhà trường, gây xáo trộn đến việc dạy và học của thầy, trò; “trường Hà Nội-Amsterdam trở thành một môi trường kinh doanh hàng hóa, trong đó điển hình là việc kinh doanh thuốc lá trong trường học, dẫn đến các con chúng tôi đang bị vướng vào tật xấu nguy hiểm này”. Đơn này các BĐ đồng gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền Trung ương và Hà Nội xem xét.

2. Bạn đọc Vĩnh Bình ở Khu Đô thị Đặng Xá – Gia Lâm – Hà Nội gửi email ngày 5/10/2017 phản ánh:Trường Tiểu học Cao Bá Quát được thành lập và hoạt động bắt đầu từ năm học 2017-2018, song hơn một tháng qua, nhiều phụ huynh học sinh đã quan tâm và bức xúc về các khoản thu đầu năm như đồng phục, rèm cửa, trang bị điều hòa, hoạt động của Ban đại diện CMHS nhà trường…BĐ đề nghị các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm, Trường Tiểu học Cao Bá Quát có trách nhiệm làm rõ để trả lời thỏa đáng với phụ huynh học sinh, quan trọng hơn là tạo ra môi trường giáo dục trong lành tại ngôi trường mới này.

{keywords}
Ảnh do Bạn đọc cung cấp

3. Bạn đọc Nguyên Đan nhân danh ‘tập thể phụ huynh trường Tiểu học Thái Sơn-Kinh Môn-Hải Dương’ gửi email ngày 7/10/2017. Nội dung: Trong cuộc họp với nhà trường ngày 31/8/2017, phụ huynh được thông báo về mức đóng góp của mỗi học sinh trong năm học này dao động từ 4.800.000 đ đến 5.300.000 đ (có cả SGK), cao hơn năm học trước rất nhiều và cao hơn các trường khác trong cùng huyện Kinh Môn. Phụ huynh còn thắc mắc vì sao con em mình phải đóng cao, mà con công nhân viên nhà trường chỉ đóng 2.000.000 đ. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Đơn này, BĐ Nguyên Đan đồng gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, Phòng GD & ĐT huyện Kinh Môn đề nghị xem xét.

4. Bạn đọc Nguyễn Xuân Giang dạy học 39 năm, trong đó có 36 năm làm Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, nghỉ hưu ở thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa gửi email ngày 5/10/2017 phân tích trách nhiệm và việc cần làm để ngăn chặn tình trạng “lạm thu” trong các nhà trường. Theo BĐ Xuân Giang, Luật giáo dục, Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học, Điều lệ trường phổ thông… đều ghi rõ chủ trương huy động xã hội hóa, những nội dung nào được huy động, quy trình huy động và cơ chế tổ chức kiểm tra, giám sát… Hiệu trưởng có gợi ý, đề xuất, Ban đại diện cha mẹ học sinh, được gọi là “cánh tay nối dài của Hiệu trưởng” mới biết và đứng ra tổ chức thực hiện theo… “quy trình dân chủ”! Nếu Hiệu trưởng không chủ trương thu, hoặc không thống nhất với các khoản thu do Ban đại diện cha mẹ HS đề xuất, thì không ai có thể thu tiền học sinh trong trường. Để ngăn chặn Hiệu trưởng lạm thu, trước năm học mới, lãnh đạo nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ HS bàn bạc, định hướng những công việc, những khoản thu, mức thu cho năm học mới. Khoản thu nào Hiệu trưởng đưa ra bất hợp lý, Ban đại diện cha mẹ học sinh trao đổi phản biện; ngược lại, Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất những khoản thu trái quy định, bất hợp lý, Hiệu trưởng phải từ chối dứt khoát. Cơ quan quản lý như Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu- chi quỹ xã hội hóa từ các đơn vị trực thuộc. Nếu thấy có biểu hiện sai phạm, phải đình chỉ ngay. Chính quyền địa phương có trách nhiệm theo dõi và xử lý tình hình lạm thu nẩy sinh trên địa bàn quản lý. Đấy là vấn đề quyết định, còn việc đưa ra hội nghị toàn thể phụ huynh để …biểu quyết chỉ mang tính thủ tục!

5. Bạn đọc le vinh levinhdhqt@gmail.com  gửi email ngày 4/10/2017 phản ánh: Đầu năm học, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và Hội phụ huynh thu các khoản tiền như hình ảnh BĐ gửi tới Báo:

{keywords}
Ảnh do Bạn đọc cung cấp

BĐ le vinh thắc mắc có những khoản (như quỹ Hội PH trường, quỹ Hội PH lớp, vệ sinh lớp) “không hiểu thu để làm gì? Trường có tất cả hơn 600 HS thì tổng ba khoản thu này tới 354 triệu đồng, phần lớn các phụ huynh không đồng tình, nhưng vì sợ con em gặp khó khăn trong học tập nên …không dám lên tiếng”. Xin chuyển thắc mắc của BĐ le vinh tới Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Trị đề nghị xem xét.

6. Bạn đọc Nguyễn Thị Liên ở thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh gửi “đơn kiện” đề ngày 13/8/2017. Nội dung: BĐ Liên được tuyển vào làm việc tại Công ty HNC Air VietNam (địa chỉ số 14, Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ 2/2/2015, loại Hợp đồng không xác định thời hạn, đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2015. Sau khi sinh con đã nộp đủ hồ sơ xin hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật BHXH nhưng không được giải quyết dù hàng tháng vẫn bị khấu trừ tiền lương. Lý do: CT đang nợ tiền BHXH. Đơn này BĐ Nguyễn Thị Liên đồng gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội đề nghị xem xét.

7. Bạn đọc Phạm Văn Chỉnh ở thôn Đồng Quang, xã Đặng Chương, An Dương, Hải Phòng gửi “đơn kiến nghị” đề ngày 29/9/2017. Nội dung: BĐ công tác xa nhà, về quê (An Dương, Hải Phòng) làm thủ tục đất ở trên đất của bố mẹ (đã chết) mới biết xã và huyện đã cấp ‘Sổ đỏ’ cho ông Phạm Văn Chính, sau đó ông Chính lại tách ‘Sổ đỏ’ cho người khác, trong khi 4/5 anh em trong hàng thừa kế không biết và không ký, gây nên tranh chấp. Đề nghị các cơ quan chức năng nơi BĐ Chính đồng gửi đơn này xem xét.

8. Bạn đọc Võ Quốc Thảo “đang làm việc tại TCT bia- rượu- nước giải khát Sài Gòn (SABECO) gửi “đơn tố cáo” đề ngày 26/8/2017 đối với “dã tâm chiếm đoạt thương hiệu bia nổi tiếng của SABECO” của 1 nguyên Phó TGĐ TCT này. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét.

9. Bạn đọc Ngô Ngọc Linh ở số 3, ngõ 20 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 26/9/2017 + một số giấy tờ liên quan. Nội dung: Đề nghị các cơ quan quản lý về y tế của Hà Nội giải quyết vấn đề BĐ kêu cứu về hậu quả “điều trị nâng mũi, nâng ngực” tại Bệnh viện Kim Cương (tầng 9, số 1B, phố Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Được biết, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội “đang giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 31/DS ngày 24/8/2017 về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn là Ngô Ngọc Linh đối với bị đơn là CTCP thẩm mỹ Kim Cương A & B. Tòa đã có Văn bản gửi Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cung cấp Văn bản số 316/PYT ngày 26/7/2017 của cơ quan này về việc giải quyết đơn tố cáo của bà Ngô Ngọc Linh, “để có căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật”.

10. Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hà và 1 số BĐ sống ở Khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt, Hàng Bài gửi đơn đề ngày 20/9/2017 ‘kêu cứu và tố cáo khẩn cấp’. Nội dung: “CTCP Đầu tư tài chính Toàn Cầu (Chủ đầu tư dự án thương mại 30A Lý Thường Kiệt-33 Hàng Bài) không thực thi Văn bản số 541/TTr-BCĐ ngày 9/8/2011 của UBND TP. Hà Nội và Văn bản số 158/TB-UBND ngày 20/10/2011 của UBND quận Hoàn Kiếm”. Các BĐ cho biết: “Văn bản 158 đã nói rõ ‘mua bán giữa hai bên là theo giá thỏa thuận’…Tuy nhiên trên thực tế phía Chủ đầu tư liên tục tiến hành các hành động nhằm ép chúng tôi từ bỏ lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình”. Xin chuyển lời “kêu cứu” của các BĐ đến UBND quận Hoàn Kiếm và UBND TP. Hà Nội xem xét.

11. Bạn đọc Lê Minh Vũ ở xóm 1, thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa gửi email đơn ngày 3/10/2017 cho biết: BĐ kháng cáo toàn bộ Bản án Hành chính sơ thẩm số 49/2017/HC-ST ngày 12/9/2017 của TAND tỉnh Thanh Hóa. Bản án này đã “bác đơn khởi kiện của ông Lê Văn Huy (cha BĐ Vũ) về yêu cầu hủy QĐ về việc phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ GPMB Dự án đường Băc- Nam 2 khu kinh tế Nghi Sơn”. Về vấn đề bồi thường hỗ trợ GPMB, BĐ Vũ nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới Báo VietNamNet và Báo cũng đã có Công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia đề nghị xem xét.

12. Bạn đọc Trần Đình Thu, trú tại số nhà 87, đường Trường Chinh, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum gửi email “đơn kiến nghị” ngày 19 tháng 9 năm 2017. Nội dung: Vợ là Lê Thị Tân, “tham gia trò chơi một trong các hình thức Bitcoin trên mạng, bị Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Kon Tum bắt tạm giam ngày 28/10/2015, đến nay chưa kết luận có tội hay không. Bạn đọc Thu thắc mắc “hiện nay Pháp luật đã có các quy định cụ thể để điều chỉnh và xử lý loại hình này hay chưa? Cơ quan điều tra  thiếu cơ sở khi khởi tố vợ về tội lừa đảo? Với việc tạm giam quá lâu, chứng cứ không rõ ràng phải chăng đã có dấu hiệu oan sai”? BĐ Thu kiến nghị bảo lãnh cho vợ được tại ngoại để chữa bệnh. Đề nghi các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Kon Tum xem xét.

13. Bạn đọc Trần Văn Nghiêm, thường trú tại 25/28/183 Vũ Hữu Lợi, phường Cửa Nam, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, là Phó Chủ tịch UBMTTQ phường Cửa Nam, gửi email đơn đề ngày 05 tháng 10 năm 2017 “tố cáo 7 việc”, trong đó có việc bị hai thanh niên Trần Ngọc Bách, Trần Ngọc Tân kiếm cớ hành hung tại công sở, trong giờ hành chính. Công an tỉnh Nam Định thông báo với BĐ Nghiêm đã  giao Công an thành phố Nam Định giải quyết, nhưng đến nay vẫn ‘im lặng’. 7 nội dung ‘tố cáo’ này BĐ Nghiêm cho biết đều đã có đơn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Nam Định đề nghị xem xét. 

14. Bạn đọc Trần Văn Điều – Đảng viên Chi bộ Tiền Phong – Đảng bộ xã Đình Chu – huyện Lập Thạch – tỉnh Vĩnh Phúc gửi email ‘đơn tố cáo’ và Bản tường trình đề ngày 30 tháng 9 năm 2017 về  “những sai phạm nghiêm trọng” của một số vị trong Chi ủy Chi bộ. BĐ cho biết đã gửi đơn lên UBKT  Huyện ủy Lập Thạch và Đảng ủy xã Đình Chu đề nghị xem xét.

15. Bạn đọc  Nguyễn Việt Bách, ở Xóm Dụ 7B, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình gửi email “đơn cầu cứu” đề ngày 27 tháng 6 năm 2017. Nội dung: BĐ ký Hợp đồng  với bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương, GĐ CTCP XNK tổng hợp và phát triển giống cây trồng VN, địa chỉ: Phòng 803, tầng 8 tòa nhà đa năng Việt Thắng, đường Hoàng Văn Thụ, phường Xương Giang, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang mua cây giống đinh lăng nếp lá nhỏ, đã đặt cọc hơn 81 triệu đồng. Sau nhiều lần thất hứa, bà Thùy Hương không hoàn trả  tiền đặt cọc và cũng không giao cây giống, lại “cho côn đồ hành hung ngay tại văn phòng Công ty khiến tôi phải nhập viện Xanh Pôn- Hà Nội với kết quả bị ‘vỡ xương hộp sọ thái dương trái’ và tỷ lệ giám định thương tật là 18%. Sự việc đã được tôi tố cáo lên Công an tỉnh và TP. Bắc Giang nhưng tới nay vẫn chưa nhận được kết quả điều tra”. Đề nghị Công an tỉnh và TP. Bắc Giang khẩn trương xem xét.

16. Bạn đọc Kim Phan, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi email ngày 9/10/2017 “có bức xúc muốn chia sẻ với Báo” về việc: “Cuối 1 buổi chiều, vợ chồng tôi đến công viên Thống Nhất tập thể dục. Chân chồng tôi bị trầy da sau gót nên không mang giày thể thao được, nhân viên giữ cổng bắt mua vé. Họ nói ‘vào tập thể dục thì phải đi giày sẽ miễn phí, còn đi dép phải mua vé’. Tôi thấy những người cùng vào thể dục không mang giày đều bị thu vé hết. Xin hỏi các cơ quan chức năng có quy định thu vé người không đi giày vào Công viên Thống Nhất  tập thể dục hay không? Xin chuyển câu hỏi của bạn đọc Kim Phan đến các cơ quan chức năng Hà Nội đề nghị xem xét.

17. Bạn đọc phuongmai nhân viên Chi nhánh 1 Công ty bảo hiểm Vũng Tàu gửi email đơn ngày 9/10/2017. Nội dung: BĐ Phương “tố cáo Giám đốc Chi nhánh nhiều lần quấy rối và cưỡng ép tình dục đối với tôi và nhiều nhân viên nữ dễ thương xinh đẹp khác trong suốt nhiều năm, để lại vết thương đau đớn về thề xác lẫn tinh thần”. Đơn này, BĐ phuongmai đồng gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét.

18. Bạn đọc Lương Xuân Bình, nhân viên Văn phòng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội gửi email ngày 10/10/2017 (đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền) “Báo cáo tổng hợp những dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thất thoát lớn về ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thực hiện dự án tuyến Đường sắt đô thị số 3 Nhổn- Ga Hà Nội”. BĐ Xuân Bình cho biết “đã báo cáo, kiến nghị, tố cáo tới các cấp có thẩm quyền TP Hà Nội nhưng không được xem xét một cách đúng mức”.  Về vấn đề này, sau khi nhận được “đơn kêu cứu” bằng văn bản của BĐ Xuân Bình, Báo VietNamNet có Công văn số 554/CV-VNN ngày 18/9/2017 gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính Phủ; UBND TP. Hà Nội đề nghị xem xét, chưa nhận được phúc đáp.

19. Bạn đọc Cung Đình Dậu thường trú số 1, ngách 250/106, tổ 28B, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội gửi “đơn khiếu  nại” (đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền) đề ngày 10/10/2017. Nội dung: BĐ bị thu hồi 535m2 đất nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị tây nam Kim Giang 1, chỉ được đền bù 252.000đ/m2 trong khi một số hộ khác lại được đền bù 1.500.000đ/m2, thật không công bằng. BĐ Dậu thắc mắc thì cán bộ phường giải thích ‘gia đình nào đen đủi thì nằm trong danh sách đền bù thấp’! BĐ không chấp nhận nên khiếu nại.

20. Ủy ban nhân dân xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có Công văn số 60/BC-UBND ngày 15/9/2017 phúc đáp Công văn số  410/CV-VNN ngày 24/7/2017 đề nghị xem xét đơn của BĐ Nguyễn Văn Hùng. CV của UBND xã cũng được gửi tới BĐ Nguyễn Văn Hùng. 

Ban Bạn đọc

(ảnh ‘dongphuc2’ do BĐ cung cấp)
(ảnh ‘dongphuc2’ do BĐ cung cấp)