-Đầu tháng 4/2016, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc và Công văn phúc đáp của các cơ quan.

TIN BÀI KHÁC


1. Bạn đọc Trương Phong ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định gửi đơn đề ngày 3/4/2016 tiếp tục kêu cứu về việc: Ngày 29/3/2004 UBND huyện Hoài Nhơn có Quyết định giao hơn 29 ha đất rừng, thời hạn giao đất là 50 năm để gia đình làm kinh tế trang trại. Từ một khu đất cằn cỗi, gia đình đã đầu tư rất nhiều công sức và rất nhiều tiền vay người thân, vay Ngân hàng trồng rừng, chăn nuôi. Khi cây rừng đã phủ xanh đồi núi trọc, thì đầu tháng 3/2009, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo hôm trước, ngay hôm sau UBND huyện Hoài Nhơn ra Quyết định thu hồi hết diện tích đất đã giao với lý do không rõ ràng. Gia đình BĐ Phong đã gửi rất nhiều đơn kêu cứu đến các cấp từ huyện, tỉnh đến Trung ương. Năm 2013 UBND huyện Hoài Nhơn mới ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hơn 6 tỷ đồng và UBND tỉnh Bình Định cũng ra Quyết định phân bổ kinh phí bồi thường gia đình BĐ Phong số tiền trên. Thế nhưng, cho đến nay (năm 2016), gia đình BĐ Trương Phong vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Về việc này, Báo VietNamNet đã có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện Hoài Nhơn đề nghị xem xét. UBND tỉnh Bình Định không hồi âm, còn UBND huyện Hoài Nhơn có Công văn phúc đáp là…chờ chỉ đạo của UBND tỉnh! Báo VietNamNet tiếp tục có Công văn số 93/CV-VNN ngày 7/4/2016 gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, giải quyết.

{keywords}
Cảnh sắc một vùng quê Bình Định (ảnh minh họa- Nguồn Báo Bình Định)

2. BĐ Nguyễn Hùng Cường là Chủ tịch CT TNHH XNK Thành Minh (địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà FLC Landmark Tower, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi “Đơn kiến nghị”  số 01+02/DKM-TM  ngày 5+8/4/2016 về việc: Cục Điều tra chống buôn lậu- TC Hải quan dự thảo Kết luận “Một số bộ hồ sơ có chứng từ vận đơn không hợp lệ; số tiền hoàn thuế không hợp lệ là hơn 905 triệu đồng” nhưng CT Thành Minh không đồng ý vì “không chính xác và không hiểu đúng theo nghiệp vụ XNK”. Vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm mà vẫn chưa có kết luận thỏa đáng. Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Thành Minh bị đình trệ. Báo VietNamNet có Công văn số 94/CV-VNN ngày 7/4/2016 gửi Bộ Tài chính. TC Hải quan đề nghị xem xét.

3. Bạn đọc Trần Thị Thi, công nhân nghỉ hưu trú tại khối 1, phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đến Tòa soạn trình bày và gửi đơn đề ngày 28/3/2016 “tố cáo tiếp” 9 cán bộ từ cấp xã trở lên đã không giải quyết vấn đề trả lại đất xây dựng nhà thờ cúng Liệt sỹ Trần Công Hạnh tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vấn đề này kéo dài đã nhiều năm. BĐ Thi đã rất nhiều lần “cầu cứu” Báo VietNamNet và Báo cũng đã có nhiều bài viết, gửi nhiều Công văn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan TW xem xét. Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 553/VPCP-V.I ngày 21/1/2016 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Nghệ An “kiểm tra lại việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Thi và làm rõ phản ánh, tố cáo của bà Trần Thị Thi và bà Trần Thị Hường, kiến nghị giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2016”.

4. Bạn đọc Đào Thanh Lãng ở thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, gửi đơn đề ngày 29 tháng 03 năm 2016 trình bày về việc: Con trai là Đào Yến Thanh sinh năm 1997, ngày 14/12/2015 đứng chờ thang máy tại tầng 5 tòa nhà C2 của Đại học Hàng Hải Việt Nam (địa chỉ: 484 Lạch Tray, Ngô Quyền, TP Hải Phòng), dựa vào cửa thang máy, thì bất ngờ cánh cửa vào thang máy bật ra, khi đó cabin thang máy đang ở tầng 7, nên anh Thanh bị rơi tự do cùng với cánh cửa thang máy xuống đất, tử vong ngay sau đó tại Bệnh viện. Bạn đọc cho rằng “tai nạn làm con trai tôi tử vong, là do hệ thống thang máy trong tòa nhà C2 không đảm bảo chất lượng; có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”. Báo VietNamNet đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền; Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền; Trường Đại  học Hàng Hải Viêt Nam xem xét. 

5. Bạn đọc Phạm Thị Minh Nhật  thường trú tại H38/04/k196 đường Trần Cao Vân, tổ 49 phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP.  Đà Nẵng gửi email  đơn đề ngày 1/4/2016 trình bày: “Tôi là người giới thiệu và nộp tiền cho ông Lê Công Ân, trú tại 238/04 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định mua lô đất thuộc Block B08 ô số 20 dự án KĐT Ngân Câu – Ngân Giang do CTCP Đất Xanh Miền Trung rao bán. Sau khi nộp  tiền cọc 20.000.000 đồng, Công ty này phát hành 1 hợp đồng mua bán lô đất với ông Lê Công Ân với giá 419.405.800 đồng. Vào ngày 30/3/2015, CTCP TĐ Đất Quảng, địa chỉ: P2001, tòa nhà Locogi 13 Tower, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.  Hà Nội, do ông Võ Văn Chung làm giám đốc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô đất đó với giá 205.500.000 đồng.  Tháng 11/2015, ông Lê Công Ân yêu cầu tôi hỏi về chênh lệch tiền 213.905.800 đ giữa 2 Công ty, yêu cầu CTCP Đất xanh Miền Trung giải thích và cung cấp hóa đơn cho việc giao dịch nêu trên. Tuy nhiên, do Công ty này không trả lời số tiền chênh lệch; không cung cấp hóa đơn liên quan tới giao dịch lô đất”. Vì vậy, BĐ Minh Nhật tố cáo. Báo VietNamNet đề nghị các  cơ quan có thẩm quyền xem xét.

6. Bạn đọc Trần Duy Lịch ở thôn Tân Hà, thị Trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tĩnh Vĩnh Phúc gửi đơn đề ngày 29/3/2016 tố cáo Trưởng thôn Tân Hà làm việc từ 1995 đến 2015 không thực hiện tài chính công khai. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh đã ra 2 văn bản Kết luận (tháng 3/2014 và tháng 12/2015) nhưng BĐ Lịch không đồng ý. Ngày 7/3/2016, đại diện Thanh tra huyện Bình Xuyên đã làm việc với BĐ Trần Duy Lịch. Đề nghị UBND huyện Bình Xuyên khẩn trương xem xét và giải quyết dứt điểm vụ việc này.

7. Bạn đọc Nguyễn Đăng Cương ở xóm Vải, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục gửi đơn đề ngày 25/3/2016 “kêu cứu khẩn cấp” về việc bị chính quyền địa phương xử ép trong tranh chấp đất đai với người hàng xóm là Lê Duy Tiếp- một chủ doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với nhiều cán bộ địa phương. Ngày 9/3/2016 UBND xã Hóa Thượng đã tổ chức hòa giải vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Lê Duy Tiếp và ông Nguyễn Đăng Cương. Biên bản ghi ý kiến của bà Phó Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng “ông Cương đã tự ý bỏ về nên buổi hòa giải hôm nay không thành”. Báo VietNamNet đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ; UBND xã Hóa Thượng khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc này.

8. Bạn đọc Phùng Nam Long ở phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 2/4/2016 về việc: Ngày 8/8/2015, BĐ Long đi trên xe ô tô Fotuner BKS 30A-03763 tới địa phận thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị “một nhóm gần 20 người đi trên 3 xe ô tô” chặn đập phá xe, đánh BĐ tổn hại sức khỏe, thương tích là 29%; cướp dây chuyền vàng 250 triệu đồng, ví da trong có 6.000USD và 7 triệu VND. BĐ Long cho biết: Trong nhóm đối tượng đó, “tôi đã từng gặp và biết rõ 3 người là Hải Lu, Hải Râu và Bảy Nhị”. Vụ việc đã được trình báo với CA huyện Quốc Oai và CA TP. Hà Nội đã cử Tổ công tác thuộc phòng CSHS vể phối hợp với lực lượng chức năng địa phương giải quyết. Tuy nhiên đến nay các đối tượng gây ra vụ việc trên vẫn chưa bị pháp luật xử lý. Báo VietNamNet có Công văn gửi Công an TP. Hà Nội; Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội đề nghị xem xét.

{keywords}
Ô tô bị nhóm côn dồ đập phá hư hỏng nặng (ảnh Việt Báo)

9. Bạn đọc Ngô Tiến Nguyên ở số nhà 8, ngõ 637, đường Trương Định, tổ 13, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đến Báo VietNamNet trình bày và gửi “đơn tố cáo” đề ngày 4/4/2016 về việc “đơn tố cáo của tôi không được Chánh án TANDTC xác minh- Kết luận- Trả lời” liên quan đến việc đòi lại ngôi nhà số 13 phố Phan Bội Châu và ngôi nhà số 11 phố Thợ Nhuộm mà cụ Ngô Tiến Đạt (là ông nội BĐ Nguyên) đã giao cho Nhà nước quản lý trong thời kỳ cải tạo nhà đất. Được biết vấn đề này đã được UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, TAND TP. Hà Nội, TAND Tối cao giải quyết, không chấp nhận việc đòi nhà của BĐ Ngô Tiến Nguyên. Báo VietNamNet không có điều kiện xem xét vấn đề này.

10. Các bạn đọc: Hồ Phạm Trường An, Nguyễn Trí Tân và một số BĐ đang học tại Khoa Du lịch và Việt Nam học trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng ký tên trong đơn đề ngày 26/3/2016 tố cáo: Bằng Đại học Mở ngành Quản trị Kinh doanh của ông T.T.N- nguyên là giảng viên và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Du lịch- Khoa Du lịch, trường ĐH Nguyễn Tất Thành là “giả”. Điều này được ghi rõ tại CV số 76/ĐHM-QLĐT ngày 21/1/2016 của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh sau khi thẩm tra Văn bằng, rằng “không có trong sổ gốc cấp Bằng tốt nghiệp của nhà trường”. Trong quá trình làm việc, ông T.T.N có nhiều hành vi xấu và hoạt động khuất tất. Các BĐ nhiều lần đề nghị chuyển giao hồ sơ cho CA điều tra; Cơ quan có chức năng thu giữ và tiêu hủy Bằng giả của ông T.T.N nhưng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lại chỉ giải quyết cho ông này “đơn phương chấm dứt hợp đồng”, khác nào “tiếp tay cho ông T.T.N tiếp tục dùng Bằng giả đến nơi khác để lừa”. Đề nghị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi các BĐ đồng gửi đơn này xem xét, xử lý.

11. Bạn đọc Nguyễn Gia Long, số 58/24 khu phố 3, tổ 9 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh gửi email ngày 7/4 phản ánh “trò cờ bạc bịp” ở công viên Thống Nhất, Hà Nội: Khi tôi cùng người bạn vừa bước qua cổng công viên, phía đường Đại Cồ Việt, thì cách đó khoảng gần 100 mét tôi đã nhìn thấy một người phụ nữ kê bàn nhựa đứng sóc chén. Khi tôi  tiến lại gần thì những “ cò mồi” đang tản mác quanh đó cũng xúm vào móc tiền đặt chơi. Khi đi qua, tôi liếc mắt quan sát các "thành viên" của nhóm thì vẫn còn nhận ra các gương mặt đen nhẻm, cũ rích, dẫu đều đã già hơn so với hồi tôi học Đại học và hay ra Công viên này chơi. Vào một quán nước giải khát gần đó trong công viên, tôi nói chuyện thì chị chủ quán xác nhận: Nhóm cờ bạc này đã tồn tại ở đây cả hơn chục năm, chẳng mấy ai là không nhẵn mặt chúng, nhưng cũng “thịt” được khối người lơ ngơ vào Công viên! Tôi và chị đều thắc mắc: Không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không dẹp bỏ”? Xin chuyển những ý kiến này của BĐ đến Ban Quản lý Công viên Thống Nhất và UBND phường sở tại.

12. Bạn đọc Trương Thị Hồng Vinh ở số 3, ngách 381/64 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội gửi đơn đề ngày 9/4/2016 “tố cáo” về việc:10 năm trước đại diện gia đình ký Hợp đồng đầu tư Dự án xây dựng khu nhà ở cho CB-CC  ĐH Y Dược TP HCM tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với Phó Hiệu trưởng Trương Đình Kiệt; đã chuyển 520 triệu đồng vào tài khoản của ông để mua lô đất được phân. Nhưng đến nay, “không có đất thật mà chỉ có chia trên giấy”. BĐ đã nhiều lần làm việc, gọi điện cho ông Kiệt “nhưng không có kết quả, còn lẩn tránh không gặp mặt chúng tôi”. Báo VietNamNet đề nghị Trường ĐH Y Dược TP HCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

13. Bạn đọc Đặng Vũ ở số 36 Liên Trì, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều lần đến Tòa soạn trình bày và gửi đơn; mới nhất đề ngày 12/4/2016. Đơn của BĐ Vũ  không đồng tình với Thông báo số 44/TB-UBND ngày 14/3/2016 của UBND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký, kết luận đơn tố cáo của công dân ở số 36 Liên Trì là không đúng. Về vấn đề này, Báo VietNamNet đã nhiều lần thông tin và có Công văn gửi UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị xem xét, nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.

14. Bạn đọc Nguyễn Doãn Quỳnh ở xóm Bình Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh gửi email “đơn tố cáo” đề ngày 11/4/2016, về việc: Một số cán bộ xã Đức Lĩnh cố ý biến đất công thành đất tư, làm “biến mất” một con đường đã tồn tại hơn 50 năm, được 8 hộ dân đi lại để trồng trọt, làm thất thoát hàng nghìn m2 đất của nhà nước để hưởng lợi bất chính. Đơn của BĐ Quỳnh cho biết, ngày 4/4/2016 Thanh tra huyện Vũ Quang đã về xã Đức Lĩnh làm việc, yêu cầu ông Nguyễn Xuân Tịnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh phải đóng ranh giới, phải làm đường cho 8 hộ dân đi lại sản xuất nông nghiệp, tuyệt đối không để vì chuyện con đường mà làm ngừng trệ vụ mùa của 8 hộ dân này. Báo VietNamNet đề nghị UBND huyện Vũ Quang xử lý dứt điểm vụ việc.                                                                                                
Các cơ quan phúc  đáp

1. Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức  (Đức Hòa- Long An) có Công văn số 102/CV-TAĐI-16 ngày 30/3/2016 gửi “quý Cơ quan truyền thông, Báo- Đài” trình bày về vấn đề thu phí duy tu CSHT, liên quan đến Công ty Tago Candy (Nhật Bản). Công văn đề cập cơ sở pháp lý; về giá phí duy tu CSHT; về việc CT Tago không đóng phí này trong hơn 3 năm qua; về quyền ngưng cung cấp dịch vụ cho CT Tago và một số kiến nghị. Công văn cũng cho biết: Ngày 25/3/2016, trên cơ sở ý kiến vận động thuyết phục của UBND tỉnh Long An và thiện chí với CT Tago, nên CT Tân Đức đã chủ động ngưng các biện pháp hữu hiệu nhằm thu hồi phí duy tu CSHT đối với CT Tago và đồng thời CT Tân Đức đã gửi Đơn khởi kiện tại TAND huyện Đức Hòa”.

{keywords}

Các công nhân trèo qua đống đất của Tân Đức lấp trước cổng (ảnh VNN)

2. Tòa án quân sự Quân khu 7 có Công văn số 102/2016/GB-TA ngày 4/4/2016; Viện KSQS QK7 có Công văn số 121/TB-VKS-KT ngày 5/4/2016 phúc đáp Công văn số 85/CV-VNN ngày 30/3/2016 đề nghị xem xét những vấn đề có liên quan đối với bị cáo Trương Hoàng Sơn, theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Trinh. Các Công văn cho biết: Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 26/1/2016, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trương Hoàng Sơn 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại  Điểm a, Khoản 4, Điều 139 BLHS. Tuy nhiên, Trương Hoàng Sơn đã kháng cáo toàn bộ Bản án; Viện KSQS TW kháng nghị về phần dân sự; Viện KSQK7 kháng nghị theo hướng tăng hình phạt, nên TAQSTW thụ lý để xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

3. Ban tiếp Công dân (UBND tỉnh) Vĩnh Phúc có Công văn số 81/BTCD-CT2 ngày 31/3/2016 phúc đáp Công căn số 75/CV-VNN  ngày 23/3/2016 của Báo VietNamNet đề nghị xem xét đơn của một số công dân ở xã An Hòa và xã Hoàng Đan (bà Mai, ông Trại, ông Phong, bà Phương). CV cho biết: Đơn được chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Tam Dương để giải quyết theo thẩm quyền, thông báo kết quả giải quyết về Báo VietNamNet và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Trân trong cảm ơn các cơ quan trên.

Ban Bạn đọc