Năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 160 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra 147 vụ phạm tội mua bán người, xác định được 311 nạn nhân bị mua bán. 

Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, công tác phòng ngừa xã hội được các địa phương, lực lượng và tổ chức chính trị xã hội các cấp chú trọng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong giảm thiểu tình trạng mua bán người, phát hiện, tố giác hành vi mua bán người đến các lực lượng chức năng. Từ đó, tạo cơ sở phòng ngừa trong cộng đồng, không để loại tội phạm này có nguy cơ lan rộng, tiếp cận đối tượng có nguy cơ bị mua bán. 

Tỉnh Điện Biên là khu vực miền núi với đường biên giới giáp Lào, Trung Quốc. Trước đây, địa bàn tỉnh là điểm nóng về mua bán người. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân, tình trạng mua bán người đang dần được hạn chế. 

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Điện Biên thường xuyên đẩy mạnh triển khai công tác phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người xuống các địa phương. Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái về các chủ đề như bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước các nguy cơ bị mua bán, bạo lực đối với phụ nữ/trẻ em, bất bình đẳng giới. Kêu gọi xã hội hóa, hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm góp phần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới – một trong những nguyên nhân cốt lõi của nạn mua bán người.

W-20240412_151634.jpg
Hội viên phụ nữ là đội ngũ tuyên truyền viên hiệu quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn mua bán người ở Điện Biên. 

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên toàn tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng liên quan tuyên truyền, phổ biến các chủ trưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; phổ biến hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111), kênh tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình tư tưởng phụ nữ và dư luận xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh qua số điện thoại 02153.828.481 tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện các phong trào và nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội.

Đồng thời phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh hoạt động tại địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Ảng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, chú trọng tổ chức triển khai được 716 hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, thu hút 21.680 hội viên, phụ nữ, trẻ em gái, học sinh và nhân dân tham gia.

Tiếp tục thành lập mới, duy trì, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình về phòng, chống mua bán người tại các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa với tổng số 31 mô hình, câu lạc bộ với 1.294 thành viên, với 124 buổi sinh hoạt định kỳ, hỗ trợ trong năm 2023.

Thông qua các buổi sinh hoạt đã giúp cho các thành viên mô hình nắm được phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đổi mới trong công tác tuyên truyền, xác định khâu đột phá “Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động Hội”. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã chủ động tiếp cận những tiến bộ của công nghệ, kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. 

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh chia sẻ, xác định ứng dụng chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết hiện nay trong công tác, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành lập và duy trì các trang mạng Facebook, Zalo kết nối với cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền kịp thời các chỉ đạo từ cấp trên.

W-d84f32cf e1f1 4cee bd49 e5f58a26d09d.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên.

Chú trọng việc chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ tìm hiểu về thương mại điện tử, cách tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ sản phẩm, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, phát triển các sản phẩm, cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường… Qua đó, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ, giúp chị em nâng cao kiến thức, phát triển bản thân, khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội. “Đó là cách làm hiệu quả để đẩy lùi tệ nạn mua bán người”, bà Đỗ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, cán bộ Hội cơ sở ứng dụng hiệu quả các phần mềm như slide trình chiếu, phóng sự, clip hình ảnh trực quan minh họa… tuyên truyền, chia sẻ mô hình hay, cách làm sáng tạo đến hội viên, tạo lan tỏa của công tác chuyển đổi số trong công tác Hội. Do vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số khai thác các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu, đa dạng kênh tập hợp phụ nữ, thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền các hoạt động của Hội, nhất là phổ biến kiến thức, nâng cao khả năng phòng, chống mua bán người đến các hội viên. 

Quỳnh Nga