Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới với nước ngoài dài nên nguy cơ cao về loại hình tội phạm mua bán người. Năm 2021, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều hoạt động quyết liệt trong công tác phòng, chống mua bán người.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức 5 điểm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại 5 xã nằm trong chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương của huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em theo dõi, hưởng ứng buổi livestream Lễ phát động Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Qua đó, góp phần giúp chị em nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác với loại hình tội phạm mua bán người; lan tỏa thông điệp về chủ đề phòng, chống mua bán người sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ.

{keywords}
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị.

Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người. Đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản về tình hình tội phạm mua bán người hiện nay; các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người; việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người và việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; kỹ năng tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bị mua bán…

Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về tình hình tội phạm, kỹ năng nhận diện để phòng, chống tội phạm mua bán người và nắm được các kỹ năng phòng ngừa để nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân.

Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người để chung tay phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức truyền thông trên loa phát thanh đến với người dân, vận động hội viên phụ nữ, con em tránh nghe lời dụ dỗ bỏ học để đi lao động nước ngoài hoặc lừa đảo giới thiệu việc làm. Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và an toàn, cẩn thận khi kết bạn và đưa thông tin trên các trang mạng xã hội.

Thường xuyên nắm tình hình để cung cấp cho các lực lượng chức năng nguồn tin về các hành vi có dấu hiệu tội phạm về mua bán người, di cư trái phép trên địa bàn. Hội LHPN các xã vùng biên tích cực nắm bắt thông tin, dư luận xã hội góp phần cùng với địa phương ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Duy trì thực hiện có hiệu quả các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về. Đến nay, có 610 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được chính quyền công nhận; tiếp tục duy trì hoạt động của 4 nhà tạm lánh tại thư viện phụ nữ xã Triệu Đông, Mò Ó, Tân Thành và Hướng Tân.

Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các buổi sinh hoạt hội, các CLB, nhóm “Phụ nữ tiết kiệm, tín dụng”, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”, mô hình “Phụ nữ nói không với xuất khẩu lao động trái phép”, góp phần hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người.  

Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Hội LHPN tỉnh, các chi hội phụ nữ cơ sở đã chủ động tuyên truyền, triển khai kịp thời những nội dung, chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người đến chị em hội viên. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và bạo lực gia đình trên địa bàn.

Giai đoạn tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả về phòng, chống mua bán người. Phối hợp hỗ trợ các gia đình khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, có nguy cơ là nạn nhân của mua bán người thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp…

Đức Yên