- Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 4, diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4 tại thủ đô Washington của Mỹ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh NSS tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bấy giờ, 47 nước tham gia với hầu hết các đại diện đều là nguyên thủ quốc gia đã cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân bằng việc giảm sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao (viết tắt HEU; có khả năng biến thành nhiên liệu cho bom nguyên tử), tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực này.
Từ đó đến nay, các hội nghị đã mang lại nhiều thành quả, như hoàn toàn chấm dứt sử dụng HEU ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (viết tắt LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị phóng xạ, đồng thời vấn đề an ninh tại 32 cơ sở lưu giữ thứ nguyên liệu này đã được quan tâm nâng cấp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Ngay trong hôm qua, ngày thứ nhất của hội nghị 31/3/2016, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì bữa ăn tối làm việc với chủ đề "Quan niệm về đe dọa an ninh hạt nhân," với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 50 quốc gia, đánh dấu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ Tư tại thủ đô Washington.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị để khẳng định và đề cao chính sách nhất quán của Việt Nam về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia tham gia hội nghị cũng sẽ trình bày tiến trình thực hiện các cam kết từ Hội nghị NSS tổ chức tại La-Hay, Hà Lan, 2 năm trước vào tháng 3/2014. Đồng thời, biến Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân năm nay, diễn ra trong hai ngày từ 31/3-1/4/2016, thành diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.
Một điểm nhấn ở Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất, không chỉ với tăng cường an ninh hạt nhân (liên quan các loại bom nguyên tử và khinh khí), mà với cả bảo vệ các vật liệu phóng xạ (các sản phẩm phân rã của Uranium và Plutonium) cùng chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Điểm nhấn trên xuất phát từ những diễn biến mới đây trên Bán đảo Triều Tiên cùng nguy cơ nguyên liệu hạt nhân có thể rơi vào tay khủng bố, trở thành vũ khí để hủy diệt.
Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên tuyên bố thử “thành công” một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, khiến dư luận quốc tế không khỏi quan ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó là mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, sở hữu bom bẩn phóng xạ.
Mặc dù IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Các nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị Thượng đỉnh NSS lần thứ Tư này quả là rộng lớn, mới mẻ và nặng nề, đòi hỏi sự nổ lực to lớn của mọi quốc gia trên thế giới.
Minh Trần