Sáng 12/11, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. 

Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển cây sâm Lai Châu và các sản phẩm từ sâm Lai Châu, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lai Châu mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm sâm trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cây sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013, trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã tổ chức liên kết được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, bảo tồn, hình thành được vùng sâm tại các huyện. Theo khảo sát thị trường dược liệu trong và ngoài nước, nhu cầu đối với các sản phẩm từ sâm là rất lớn, trong đó có sâm Lai Châu. 

Tuy nhiên, thực tiễn việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây sâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng nhằm đưa sản phẩm sâm Lai Châu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh Sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế; gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sự cam kết "Tỉnh Lai Châu sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để các doanh nghiệp phát triển sâm Lai Châu, dược liệu thành công tại Lai Châu”. 

Báo cáo hiện trạng và tiềm năng, chính sách hỗ trợ phát triển sâm Lai Châu tại Hội nghị cho thấy, sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang).

Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 – 2.200 m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.

Các đại biểu đã tham luận về những vấn đề liên quan đến việc phát triển sâm Lai Châu như: Định hướng phát triển sâm Lai Châu phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững của thế giới; Trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan - Viện Lâm nghiệp và phát triển bền vững; Kỹ thuật canh tác bền vững sâm Lai Châu, các giải pháp canh tác không gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng và đa dạng sinh học; Tiềm năng phát triển, khó khăn thách thức, kiến nghị; Nhìn nhận về tiềm năng phát triển sâm Lai Châu, định hướng, giải pháp phát triển của doanh nghiệp và đề xuất kiến nghị... 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã công bố và trao chứng nhận Đại sứ Du lịch Lai Châu cho Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Huỳnh Phạm Thủy Tiên và chứng nhận Đại sứ Sâm Lai Châu cho Hoa hậu Du lịch quốc tế Việt Nam 2016 Emily Hồng Nhung.

UBND tỉnh Lai Châu tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Hiệp hội sâm Lai Châu, Tập đoàn Đại Nam Sơn và Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh. Việc ký kết sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu cho quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các đại biểu cũng chứng kiến ký kết hợp tác giữa UBND các huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển sâm tại các huyện.

Đại diện tỉnh Lai Châu cam kết, tỉnh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, lắng nghe, hợp tác với các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh nói riêng...

Với mong muốn đưa hình ảnh, chất lượng, thương hiệu cây sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế, tỉnh Lai Châu mong rằng, trong vai trò Đại sứ Du lịch Lai Châu, Đại sứ Sâm Lai Châu, các bạn Hoa hậu, Á hậu sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, phát triển sâm Lai Châu, từng bước đưa du lịch Lai Châu và các sản phẩm sâm Lai Châu chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và vươn tầm ra thế giới.

Hiện cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên. Khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định. Giai đoạn 2031 - 2045, tỉnh Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu lên 10.000 ha.

Nhằm hoàn thành mục tiêu, tỉnh Lai Châu đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu vận dụng các quy định cơ chế chính sách phù hợp; khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung.

Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống, sản xuất giống và trồng, chăm sóc sâm Lai Châu; chủ động phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý, phát triển dược liệu.

Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng, tiềm năng phát triển dược liệu và các chính sách thu hút đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu. Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nguyên liệu...

Vũ Sơn