Giảm tỉ lệ hộ nghèo, đưa nông dân tham gia HTX

Là một trong 4 huyện/thành vùng thấp của tỉnh Hà Giang (cùng với Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê) và TP Hà Giang, Quang Bình nằm phía Tây Nam của tỉnh, được thành lập từ năm 2003 trên cơ sở tách ra từ: 12 xã của huyện Bắc Quang, 2 xã huyện Hoàng Su Phì, 1 xã của huyện Xín Mần.

Theo ông Hoàng Văn Châm, Chủ tịch Hội nông dân huyện Quang Bình: “Sau 20 năm thành lập huyện, Quang Bình đang được thụ hưởng đầy đủ cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, những khó khăn của một huyện mới thành lập, những rào cản về hạ tầng trong phát triển kinh tế xã hội là điều khó tránh khỏi.

Chính vì vậy, UBND huyện Quang Bình đã sớm ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo các cơ sở Hội, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của nông dân tham gia xây dựng NTM, tham gia các HTX nông nghiệp bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Trọng tâm là tham gia thực hiện các tiêu chí về nhà ở và dân cư, về thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; về y tế, môi trường và an toàn thực phẩm; về quốc phòng và an ninh… vận động nông dân tích cực tham gia hiến đất, công lao động xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn”.

nuoi ca tren song chung.png
Một lồng nuôi cá trên lòng hồ sông Chừng cho trung bình 1,5 tấn/lứa, tương đương sản lượng 300 tấn/năm.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tỉ lệ hộ nghèo của Quang Bình đã giảm đáng kể. “Đến nay, toàn huyện Quang Bình đã có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực đổi mới tư duy, thay đổi tập quán, phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, quy mô HTX. Từ đó, hình thành nên những trang trại, gia trại chăn nuôi, các HTX sản xuất hữu cơ cho thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm”, ông Châm cho biết thêm.

Đa dạng các mô hình HTX sản xuất, chăn nuôi

Phân tích sâu hơn về hướng đi cho các HTX nông nghiệp của Quang Bình, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình cho biết: Từ “cái khó ló cái khôn”, từ hiệu ứng chính sách cộng với việc tuyên truyền các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho nên nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, HTX hiệu quả đã xuất hiện. Từ đó, lan tỏa phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, thoát nghèo bền vững ở khắp các thôn, bản.

Cụ thể, tính đến tháng 11/2023 tổng số HTX chuyển đổi, thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn huyện Quang Bình là gần 150 HTX, trong có hơn 50% đang hoạt động có hiệu quả chủ yếu các ngành: Chế biến chè,khai thác vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông lâm sản… Các HTX đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và thành viên HTX, với mức thu nhập tiền lương, tiền công ổn định từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2022, các HTX đã đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của huyện 1,55 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu thuế và phí trên địa bàn.

Nói về các hình thức mở rộng loại hình sản xuất cho các HTX, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các HTX kiểu mới tại Quang Bình đang phát huy và tận dụng mọi lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ví dụ, để khai thác lợi thế từ hồ Thủy điện sông Chừng, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ của các HTX đã từng bước hình thành và cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, vùng lòng hồ thủy điện rộng trên 225 ha, trải dài 15km trên địa phận 2 xã Tân Bắc, Tân Nam của huyện Quang Bình. Khi nhà máy thủy điện tiến hành ngăn đập, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, mực nước ổn định, biến khu vực trở thành nơi nuôi trồng, khai thác thủy sản… Tận dụng ưu thế mặt nước này, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các HTX thành lập các lồng nuôi cá bè trong vùng lòng hồ. Đến nay, trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đã có gần 200 lồng nuôi cá của các HTX và 7 hộ gia đình.

Các loại cá nuôi phần lớn có giá trị kinh tế cao như: cá lăng (đỏ, trắng, vàng), cá rô phi đơn tính, cá trắm đen... Mỗi lồng nuôi cá cho trung bình 1,5 tấn/lứa, tương đương sản lượng 300 tấn/năm, đem về giá trị kinh tế 15 tỷ đồng/lồng bè. Những nông dân tham gia HTX nuôi cá vừa làm nhiệm khai thác tiềm năng của lòng hồ vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trung bình thu nhập của một người dân, một tháng dao động từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có người thu nhập hơn 15 triệu/tháng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, lòng hồ thủy điện sông Chừng được xây dựng đề án đầu tư bài bản kết hợp với phát triển du lịch bền vững. Theo đó, nhiều HTX dịch vụ du lịch đang dần hình thành, bước đầu thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển du lịch vùng lòng hồ theo mô hình du lịch theo hướng trải nghiệm, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng…

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV