Ngày 26/7, Hội Cựu giáo chức Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam”. 

Ảnh 2.jpg
Do tuổi cao, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, GS Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có khoảng thời gian dài với nhiều đóng góp nổi bật cho giáo dục nước nhà.

Với tư cách là nhà khoa học, giáo sư đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành tâm lý học nói chung và tâm lý học giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục. Nhiều nghiên cứu khoa học của ông đã có đóng góp làm phát triển ngành tâm lý học, khoa học giáo dục nói chung và trong phát triển giáo dục Việt Nam thời kỳ hiện đại nói riêng.

Ảnh 3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo

Với tư cách là nhà quản lý, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, giáo sư đã có những quyết sách đổi mới giáo dục vào thời kỳ đất nước độc lập thống nhất nhưng cũng là giai đoạn khó khăn, thách thức. 

Phương châm chỉ đạo của giai đoạn thử thách được giáo sư đề ra là giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển cái cần thiết. 

Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, giáo sư đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào  năm 2000…

Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của giáo sư hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc (sinh năm 1935) tại Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục (tên gọi Bộ GD-ĐT thời điểm trước đó) từ tháng 2/1987 đến 3/1990. Người tiền nhiệm ông là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và kế nhiệm ông sau đó là GS Trần Hồng Quân.