Ngày 15/12, Hội Thủy sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Tổng kết hoạt động Hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024”.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng từ khi thành lập tới nay, hội đã tích cực tham gia xây dựng và phản biện các định hướng chiến lược, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển thủy sản.
Nhiều ý kiến của hội đã được đề xuất đến các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông-ngư dân. Đặc biệt, các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản, tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hội cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các cơ chế, chính sách đầu tư và tín dụng cho đánh bắt xa bờ, nuôi tôm, cá tra. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như mua bảo hiểm, dạy nghề, giao đất, hỗ trợ giống, thức ăn cho ngư dân cũng được hội thúc đẩy mạnh mẽ. Đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và nhiều chính sách khác.
Hội Thủy sản Việt Nam đã xây dựng và tổ chức trên 4.000 tổ đội sản xuất trên biển, phối hợp tuyên truyền để ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.
Hiện nay, thực hiện “Đề án thí điểm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3/2023, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, sau thời gian phát triển “nóng” khai thác thủy sản, số lượng tàu cá tăng nhiều, cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, nhiều nghề khai thác mang tính hủy diệt dẫn tới mất cân bằng hệ sinh thái biển, khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản không có dẫn tới các ngư trường đang ngày càng cạn kiệt.
Theo ông Ngữ, thời gian tới Hội Thủy sản Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này và đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi nghề khai thác cho ngư dân. Hội phối hợp với ngành để cơ cấu nghề thủy sản tăng nuôi trồng theo hướng công nghiệp, giảm khai thác thủy hải sản.
Ngoài ra, tuyên truyền để ngư dân tích cực tham gia cùng Nhà nước gỡ “thẻ vàng” IUU, đưa ngành Thủy sản phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Tại hội nghị, các chuyên gia về thủy sản đã đưa ra nhiều kiến nghị để phát triển hiệu quả, đưa ngành Thủy sản phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC trong năm 2024.
Hội Thủy sản Việt Nam sẽ đồng hành với ngư dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa công nghệ vào sản xuất, tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân. Tăng cường việc giám sát sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng cá, thực hiện nghiêm việc ghi và nộp nhật ký khai thác một cách thực chất và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân và cán bộ địa phương, cơ sở; đội ngũ thuyền trưởng trên các tàu cá. Chú trọng công tác dự báo ngư trường khai thác thủy sản để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác trong vùng biển nước ta.
Hội Thủy sản Việt Nam đổi tên từ Hội Nghề cá Việt Nam. Nhiều năm nay, Hội đã có các chi hội từ trung ương tới cơ sở. Các hội viên tích cực tham gia trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi cho thành viên và ngư dân trên cả nước. Lắng nghe tâm tư, ý kiến của ngư dân để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của ngư dân.
Đồng thời, Hội Thủy sản Việt Nam cũng tích cực động viên, tuyên truyền, hướng dẫn các nông dân, ngư dân chấp hành quy định của Nhà nước về thủy sản từ khai thác tới nuôi trồng, các quy định pháp luật quốc tế về thủy sản.