Nhiều năm nay, Quảng Ngãi địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực gắn phát triển với bảo tồn môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản trái phép, sử dụng các thiết bị khai thác mang tính tận diệt. Để phát triển theo hướng bền vững, Quảng Ngãi đã tích cực hỗ trợ ngư dân làm các nghề cào giã, khai thác gần bờ chuyển đổi nghề phù hợp.

Hiện Quảng Ngãi có khoảng hơn 38 nghìn lao động làm nghề đi biển, với hơn 4.500 phương tiện khai thác đánh bắt hải sản. Trong đó, Quảng Ngãi có khoảng hơn 1.600 tàu cá làm nghề giã cào. Đây là một nghề ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản, môi trường biển. Để cắt giảm các tàu này hoạt động, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấm đóng tàu mới hoạt động giã cào và có chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề sang khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển đổi sang nuôi biển. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, Quảng Ngãi cũng gặp khó khăn về vấn đề ngân sách. 

Ông Nguyễn Thành Trung (trú tại Phổ Thanh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết hai năm nay nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, cá mực ít dần, xăng dầu tăng dẫn đến tổn phí lớn, khai thác hải sản thua lỗ. Ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác đánh bắt xa bờ nhưng cần vốn lớn nên gặp trở ngại. Tại Đức Phổ, việc vận động ngư dân chuyển nghề khó khăn về vốn. Nhiều ngư dân còn nợ ngân hàng nên không thể vay thêm được từ ngân hàng. 

quang-ngai-1.jpg
Giám sát phương tiện cho ngư dân. 

Để hiện thực hóa các hoạt động hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân khai thác nghề giã cao, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch phát triển khai thác thủy sản mang tính bền vững từ nay tới năm 2030. Theo tính toán của Quảng Ngãi, để khai thác thủy sản bền vững kinh phí khoảng hơn 2.570 tỷ đồng và chủ yếu phát triển theo hướng khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong đó tỉnh tập trung nguồn lực cho phát triển khai thác đánh bắt xa bờ. Theo đó, các địa phương đặc biệt chú trọng các chính sách về chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, khuyến khích ngư dân tham gia các mô hình tập thể, doanh nghiệp, tập đoàn khai thác hải sản xa bờ, viễn dương. Ngư dân được hỗ trợ đào tạo nghề trong hoạt động khai thác xa bờ, viễn dương. Các địa phương có ưu thế về nuôi trồng thủy sản khuyến khích phát triển nuôi trồng và chế biến.

Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý, giảm thiểu tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các các nghề khai thác thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về thực hiện quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Quản lý chặt chẽ hoạt động đánh bắt thông qua hệ thống giám sát tàu cá, thực hiện cấp phép khai thác trên cơ sở hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát ngư cụ, công cụ khai thác. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên để quản lý hoạt động của tàu cá trên biển.

Bên cạnh đó là hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tham gia hiệu quả công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), nuôi có trách nhiệm (CoC) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững; Phát triển công nghệ chế biến thủy sản, nhất là chế biến các sản phẩm xuất khẩu.

Tỉnh cũng đầu tư kinh phí khôi phục và phát triển các nghề chế biến thủy sản truyền thống, sản xuất đặc sản biển, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân. 

Bình Minh và nhóm PV, BTV