- Người tiêu dùng TP.HCM có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại tại 349 điểm bán trên địa bàn.

XEM CLIP: 

Sở Công thương TP.HCM cho biết, từ hôm nay (16/12), người tiêu dùng tại TP có thể kiểm tra nguồn gốc thịt heo qua ứng dụng TE-FOOD và http://te-food.com.

Theo đại diện sở này, đây là Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do UBND TP giao cho Sở Công thương thực hiện, với sự tham gia, hỗ trợ từ Sở NN&PTNT, Chi cục thú y, Hội công nghệ cao.

{keywords}
Ứng dụng kiểm tra nguồn gốc thịt heo ở TP.HCM

Giải pháp “soi” thịt heo tổng hợp từ nhiều công nghệ khác nhau như vòng khóa an toàn, hệ thống điện toán đám mây, phân tích “dữ liệu lớn”, công nghệ QR-Code, tem vệ sinh thú y điện tử, tem truy xuất ColorGram…

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng công nghệ tem Colorgram bản quyền từ châu Âu. Mỗi con tem được in màu theo thuật toán nghiệp vụ bảo mật kèm với mã QR-Code.

Khi sử dụng smartphone cài đặt ứng dụng Te-food soi mã QR-Code, hệ thông TE-FOOD sẽ báo kết quả dãy màu của tem, mã số tem và người tiêu dùng có thể so sánh giữa tem trên bao bì và tem trên điện thoại có giống nhau không.

Tem truy xuất sử dụng công nghệ bản quyền ColorGram từ Châu Âu, vừa giúp người tiêu dùng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, đường đi của sản phẩm, vừa là tem chống hàng giả, chống sao chép được theo dõi và kiểm soát liên tục trên điện thoại đám mây.

Với đề án này, từ nay người tiêu dùng TP.HCM có thể mua và “soi” thịt heo tại 349 điểm bán tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeon - Citimart, Queenland...

Khi sử dụng ứng dụng Te-food, camera trên điện thoại được kích hoạt để quét mã vạch trên tem điện tử dán trên miếng thịt.

Chỉ mất vài giây là phần mềm có thể truy xuất từ trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi sản xuất/bán sỉ và nơi bán lẻ ra miếng thịt.

Chính quyền TP.HCM kỳ vọng Đề án quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo sẽ thành công, từ đó tạo cơ sở để triển khai trên các mặt hàng thiết yếu khác, góp phần đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống người dân.

Thạch Quý 

(Nguồn video: Sở công thương TPHCM)