Hồi tháng 1, Google thông báo kế hoạch sa thải 12.000 nhân sự. Cũng trong tháng này, Microsoft cho biết sẽ cho 10.000 người nghỉ việc. Meta cắt giảm lượng lớn người lao động trong 4 vòng, từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023.

Theo Megan Slabinski, Chủ tịch giải pháp nhân tài toàn cầu tại hãng tuyển dụng Robert Half, các đợt sa thải lớn xảy ra gần như mọi tháng.

Nhiều người đã viết về làn sóng sa thải làm rung chuyển Silicon Valley, từ nhân viên đăng tweet theo thời gian thực đến các bài luận dài của CEO giải thích quyết định của mình. Dù vậy, chuyện gì xảy ra tiếp theo với hàng nghìn nhân sự mất việc làm lại là điều chưa được nói đến nhiều.

Một số người ngay lập tức tìm được việc làm mới tại những hãng phần mềm, Internet nhỏ hơn hoặc chuyển hướng sang lĩnh vực khác như tư vấn, y tế, tài chính… Số khác dựa vào khoản tiền bồi thường, tiết kiệm hay nguồn thu nhập khác để nghỉ ngơi, phục hồi sau căng thẳng và cú sốc sa thải.

Tìm kiếm cơ hội mới trong những ngành ngoài công nghệ

Bobby McNeil từng làm việc tại Amazon Web Services (AWS) trong hơn một năm trước khi nhận quyết định sa thải hồi tháng 1. Anh gọi thời gian tại AWS là giấc mơ thành hiện thực. Dù từng trải qua những đợt cắt giảm nhân sự khác, lần này anh vẫn không tránh khỏi cú sốc.

aznqtqda.png
Bobby McNeil từng trải qua nhiều đợt sa thải trong sự nghiệp. (Ảnh: CNBC)

Cựu nhân viên tuyển dụng 39 tuổi vẫn nhớ lại khoảnh khắc lướt LinkedIn trong bàng hoàng và nhìn thấy vô số bài đăng từ các nhân viên công nghệ khác cùng chung số phận. Anh muốn bắt đầu làm việc trở lại ngay lập tức nhưng nghĩ rằng tình hình sẽ cạnh tranh hơn xét đến hàng loạt đợt sa thải gần đây.

Vì vậy, anh chuyển sự chú ý sang các vị trí tuyển dụng ở những ngành khác. Sau vài tuần kết nối và nộp hàng chục CV, anh cũng nhận được công việc ở một công ty trong Fortune 500. Anh chia sẻ, có thể dùng kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ để tận dụng và nhận được công việc còn tốt hơn trong một công ty không phải công nghệ, dù là tài chính, chính phủ hay y tế.

Trải qua nhiều đợt sa thải cũng cho McNeil thấy tầm quan trọng của việc tách rời giá trị bản thân với công việc. “Tìm thấy giá trị trong những gì bạn đang làm là điều tốt, làm việc chăm chỉ và trở thành nhân viên tận tụy cũng là điều tốt, song bạn không nên ràng buộc vì những gì đang làm 40 giờ một tuần”, anh nói. “Bạn có thể tìm thấy giá trị bản thân trong các khía cạnh khác của cuộc sống, cho dù đó là sở thích cá nhân hay theo đuổi kinh doanh”.

"Tiêu chuẩn vàng đã thay đổi"

Khi Melissa Zlatow đọc email thông báo cô nằm trong số những người bị sa thải trong vòng cắt giảm đầu tiên tại Meta (tháng 11/2022), cô còn nghĩ đó là một trò đùa.

“Tôi mở email lúc 5 giờ sáng vào ngày nghỉ và nghĩ rằng ‘điều này không thể xảy ra được’. Không ai trong chúng tôi chờ đợi điều đó”, Zlatow hồi tưởng.

Điều cô làm đầu tiên là liên lạc với các đồng nghiệp khác bị ảnh hưởng trên Facebook. Với cô, điều may mắn là có một cộng đồng để dựa vào. Có rất nhiều giám đốc, phó chủ tịch làm việc hiệu quả cũng bị mất việc làm. Dù trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong một tuần, cô cùng với mọi người xử lý những thứ như tiền bồi thường, bảo hiểm y tế.

u28kd6xv.png
Melissa Zlatow nghỉ ngơi một năm trước khi bắt tay vào công việc mới. (Ảnh: CNBC)

Điều này cũng giúp cô nảy sinh một ý tưởng: điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân viên công nghệ bị sa thải có một nơi an toàn để kết nối, trút giận, chia sẻ công việc và làm việc cùng nhau?

Vài tuần sau khi thất nghiệp, cô đã xây dựng một vườn ươm doanh nghiệp để kết nối những nhân viên mất việc làm với các startup, huấn luyện viên sự nghiệp và các nguồn lực khác. Cô cũng bắt đầu diễn thuyết tại các hội thảo công nghệ và workshop về thiết kế UX, trí tuệ nhân tạo và những thứ khác để cố vấn và truyền cảm hứng cho những người trẻ.

Điều bất ngờ là bị sa thải lại khiến cho cuộc sống cá nhân của Zlatow trở nên phong phú hơn. Cô chuyển từ San Jose về Chicago vào tháng 7, trở thành một thợ lặn dưới biển được cấp giấy chứng nhận và đang trong quá trình xin giấy phép dù lượn.

Cô quyết định nghỉ ngơi trọn vẹn một năm trước khi nhận công việc toàn thời gian khác và nhận ra đây là đặc quyền không phải ai cũng có. Sau khi thảo luận với cố vấn tài chính, cô quyết định tập trung vào sức khỏe và thử những thứ không thể làm nếu vẫn là nhân viên của một doanh nghiệp lớn.

Một năm qua, Zlatow đánh giá lại chương tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Với cô, nó là lời nhắc nhở rằng “tiêu chuẩn vàng đã thay đổi”. Nếu như 5 năm trước, được làm việc trong một hãng công nghệ tên tuổi là lý tưởng, hiện tại, làn sóng sa thải đã dạy cho Zlatow và những người khác rằng bạn hoàn toàn có thể tác động đến thế giới theo nhiều cách khác.

(Theo CNBC)