7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

{keywords}
Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023

Như vậy đối với các giáo viên dạy các môn học bắt buộc như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương sẽ không phải lo lắng nhiều.

Vấn đề hiện nay là việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho những môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương…ở các trường và các địa phương như thế nào, và việc xử lý giáo viên dôi dư nếu môn học không được nhiều học sinh lựa chọn.

Nhà quản lý lo về đội ngũ 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng khi học sinh tự chọn có nghĩa sẽ có những môn các em thích thì được lựa chọn nhiều và những môn các em không thích thì không chọn. Như vậy những môn các em không thích thì lực lượng giáo viên hiện có sẽ dôi dư ra. Những môn các em thích thì thiếu giáo viên và phải tuyển thêm. Trong khi trường không được chủ động tuyển giáo viên mặc dù Nghị định 115/2020 của Chính phủ giao quyền tuyển dụng về cho các đơn vị, nhưng đến nay Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn "ôm" công tác tuyển dụng, làm cho nhà trường không chủ động công tác nhân sự, đặc biệt là chọn người tài.
 
Thứ hai, các nước trên thế giới rất đề cao môn Lịch sử, Địa lý, trong khi ở ta môn Lịch sử và Địa lý đưa vào môn tự chọn.

Thứ 3, nói rằng cho học sinh tự chọn, nhưng nếu để học sinh chọn trên 100 tổ hợp là vô cùng “rối như canh hẹ” cho các đơn vị trường học, nên không thể làm những cái chuồng trước rồi ép học sinh đi vào. Mặt khác nội dung chương trình SGK nói là tinh gọn nhưng rất nặng nề, suốt 2 tuần giáo viên học tập, nghiên cứu đều phản ánh chương trình hàn lâm, nặng, khó dạy, đặc biệt SGK vẫn biên soạn theo hình thức tự luận trong khi phương pháp đánh giá hiện nay là trắc nghiệm.

Cũng theo ông Phú, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông ở bậc THPT có những môn học như: Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Đây là những môn học mới, hiện trường chưa có giáo viên nên sẽ rất khó khăn. Hơn nữa ở các trường sư phạm cũng chưa có khoa đào tạo giáo viên cho những môn học mới…

“Năm học này các trường vẫn chưa được tuyển giáo viên cho những môn học này. Đúng ra các trường phải có giáo viên ở những môn này trước để định hình là người dẫn bước. Với những môn như Nghệ thuật thì giá hợp đồng giáo viên sẽ rất cao. Lý do là những người làm nghệ thuật họ không muốn vào trường phổ thông giảng dạy”- ông Phú nói.

Cũng theo ông phú, năm 2022 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho bậc THPT,  đáng ra SGK phải ra trước 2-3 năm để các trường nghiên cứu nhưng mới đây mới có sách.

Lãnh đạo một Sở GD-ĐT ở phía Nam khá lúng túng khi được hỏi đã có phương án nào giải quyết giáo viên cho những môn học mới và giáo viên thừa do môn học không được lựa chọn.

“Nội dung giáo dục của địa phương ở cấp tiểu học thì giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy, còn THPT đúng là chưa biết sẽ dạy như thế nào. Chúng tôi đang trông chờ vào hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi cũng chưa có phương án gì cho giáo viên dôi dư nếu môn đó học sinh không được chọn”- ông nói.

Giáo viên lo vì chương trình

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng theo quy định mỗi nhóm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật ít nhất học sinh vẫn phải chọn 1 môn, cho nên bắt buộc các em vẫn phải chọn 1 môn xã hội. Trong xu thế dạy học tích hợp đây không còn là điều đáng lo ngại cho giáo viên. Khi bài học tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý thì giáo viên nào cũng có việc để làm.

Thầy Du cho hay, ở Trường THPT Lê Quý Đôn, từ lâu đã tổ chức dạy học theo các chuyên đề tích hợp. Việc đổi mới phương pháp, dạy học dự án nên các môn xã hội rất tự tin rằng sẽ mang lại hứng thú cho học sinh và học sinh sẽ lựa chọn môn học mang lại hứng thú cho các em.

Còn thầy Phạm Đông Phương, dạy Vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thông tin hiện đã tham gia chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức.

“Tôi không lo vì học sinh muốn học chuyên về Khoa học tự nhiên thì phải học các môn chuyên biệt như Vật Lý, Hóa…” thầy Phương nói. Tuy nhiên theo thầy Phương, điều lo lắng nhất hiện nay là có ý kiến muốn giáo viên Khoa học tự nhiên có thể dạy các môn cùng lúc giống như giáo viên tiểu học và không rõ điều này có đúng hay không.

“Tôi là giáo viên Vật Lý và tôi không thể dạy môn Sinh học hoặc Hóa học. Ngược lại một giáo viên Sinh học hay Hóa học cũng không thể dạy tốt môn Vật lý. Tôi không đồng ý nếu nói khó khăn trong dạy liên môn là phương pháp chứ không phải nội dung. Nội dung truyền đạt cho học sinh là quan trọng nhất. Giáo viên có thể dạy sai phương pháp nhưng không thể dạy sai nội dung được. Hơn nữa mỗi giáo viên học một chuyên ngành ở bậc ĐH ra để dạy môn đó”- thầy Phương đưa ra quan điểm.

Minh Anh

Chủ biên đứng tên 2 bộ SGK, 2 cách dạy chữ P khác nhau

Chủ biên đứng tên 2 bộ SGK, 2 cách dạy chữ P khác nhau

Cùng một Tổng chủ biên với bộ Kết nối tri thức và cuộc sống nhưng sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Chân trời sáng tạo lại có hẳn một bài dạy về chữ P, đi liền là chữ Ph. Vậy cách dạy của bộ nào mới đúng?