Cách đây 10 năm, khi còn sinh sống tại Việt Nam, Phạm Nguyễn Quỳnh Trang (34 tuổi, hiện ở bang Texas, Mỹ) từng đặt ra cột mốc phải kết hôn trước năm 27 tuổi. Giống nhiều cô gái cùng trang lứa, Trang không tránh khỏi áp lực bị giục lấy chồng. Nhưng nhìn cảnh nhiều bạn bè lập gia đình sớm rồi có kết thúc buồn, cô càng đắn đo.
Tuy nhiên, từ khi ra nước ngoài định cư, dành nhiều thời gian tập trung phát triển sự nghiệp, Trang dần thay đổi suy nghĩ. Cô muốn cưới khi gặp đúng người.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, mọi thứ gần như đóng băng, Trang quen chồng sắp cưới qua ứng dụng hẹn hò.
Năm 2022, sau khi đông lạnh trứng khiến hormone thay đổi, trải qua cảm xúc tương tự trầm cảm sau sinh và đối mặt với những chấn thương tâm lý, Trang nhận ra người đàn ông yêu thương, chăm sóc, ở bên mình hơn 3 năm qua là người mình muốn cưới. Lúc này, cô đã 33 tuổi.
Quỳnh Trang chỉ kết hôn khi gặp đúng người, không quan trọng tuổi tác. |
“Khi tôi thông báo kết hôn, gia đình và bạn bè gần như không tin. Họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, có người còn trêu, nói tôi về Việt Nam đưa thiệp tận tay mới tin”, cô kể.
Những người có xu hướng kết hôn muộn như Trang không hề hiếm.
Theo Niên giám Thống kê 2021, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Việt Nam là 26,2 tuổi. Xét theo địa phương, TP.HCM là thành phố có độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình cao nhất (29 tuổi).
Điều tra biến động dân số 2020 của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam giới tăng từ 24,4 (năm 1989) lên 27,9 (năm 2020). Mức sinh hoạt phí cao cùng áp lực cuộc sống, công việc được xem là nguyên nhân dẫn đến xu hướng kết hôn trễ ở người trẻ thành thị.
Cùng với đó, nhiều người trẻ cũng chọn yêu đương không ràng buộc hôn nhân. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% (năm 2004) lên 10,1% (năm 2019). Điều đó có nghĩa trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn tăng gần gấp đôi.
Cưới khi có sự nghiệp, đủ tài chính
Quỳnh Trang tổ chức hôn lễ vào ngày 11/6 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Chồng cô 43 tuổi, là người gốc Việt sinh ra ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ về quê hương. Hôn lễ cũng là dịp nhà trai gồm 60 người được trải nghiệm văn hóa cùng nghi lễ đám cưới của Việt Nam.
“Tôi dồn hết tâm huyết và công sức để khách mời có buổi tối đáng nhớ thay vì chỉ đến ăn uống rồi đi về”.
Lúc này, cả Trang và chồng đều có sự nghiệp ổn định, đủ tài chính để có thể làm đám cưới theo ý mình.
Khi Lệ Hằng thông báo kết hôn ở tuổi 38, cả nhà cô đều bất ngờ. |
Càng gần đám cưới diễn ra vào ngày 10-11/6, Vương Thị Lệ Hằng (38 tuổi, TP.HCM) càng mong dịp này đến sớm để vơi bớt căng thẳng trong quá trình chuẩn bị. Cô cho biết sẽ tổ chức đơn giản, nhà gái đãi 12 bàn khách, nhà trai 20 bàn.
“Một phần, tôi thấy mình không đủ sức khỏe để làm rình rang. Phần nữa là tôi thương ông xã chỉ có một mình, ba mẹ đều không còn, nên áp lực về kinh tế khá lớn”, cô chia sẻ.
Trước khi gặp chồng, Hằng có đoạn duyên lỡ dở vài năm. Tuy nhiên, cô không nghĩ nhiều, chỉ coi kết hôn là duyên phận, khi nào đến thì đón nhận.
“Ba mẹ tôi cũng không thúc giục. Bởi vậy, khi tôi thông báo kết hôn, cả nhà đều bất ngờ và vui”.
Ông xã ít hơn Hằng một tuổi. Hai người quen nhau một năm trước khi tiến tới hôn nhân. Với cô, tuổi tác khi kết hôn không quan trọng bằng chuyện sinh con.
“Ngày trước, tôi thi thoảng cũng mơ về đám cưới lãng mạn, cầu kỳ. Nhưng sau 30 tuổi, suy nghĩ trở nên thực tế hơn. Tôi chỉ tổ chức đám cưới tối giản, không cần lãng phí quá nhiều bởi sau đó, 2 vợ chồng còn cần dồn tài chính lo cho con cái”.
Vợ chồng Hằng dự định sau khi cưới xong sẽ đến gặp bác sĩ để theo dõi, bắt đầu hành trình tìm con.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids, nhận định hiện nay, độ tuổi kết hôn càng ngày càng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn. Nhiều người hơn 30 tuổi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình và điều này không còn bị xem là bất thường.
Theo bà Tuyết, việc đặt ra độ tuổi phù hợp để khuyến khích kết hôn hay sinh con là rất khó, bởi mỗi người sẽ có quan điểm, mục tiêu khác nhau và chính họ mới biết rõ nhất thời điểm nào là phù hợp.
Kết hôn khi sẵn sàng
Giống như Quỳnh Trang và Lệ Hằng, Nguyễn Thị Diễm Phúc (32 tuổi) không nôn nóng chuyện kết hôn cho đến khi gặp người mình cảm thấy xứng đáng.
“Trước khi quen ông xã, tôi từng trải qua nhiều mối tình. Tôi cũng không đưa ai về ra mắt gia đình”, cô kể.
Dù là con gái duy nhất trong nhà, Phúc cũng không bị giục cưới. Bố mẹ thường nói chỉ sợ con lấy nhầm rồi khổ, chứ không sợ con độc thân.
Lần đầu gặp chồng hiện tại, Phúc không ấn tượng vì anh không phải gu, hơn nữa lại kém 2 tuổi, tính trẻ con hơn. Ngược lại, anh lại phải lòng sự chững chạc của Phúc và nhất quyết theo đuổi cô.
Khi dịch Covid-19 ở TP.HCM bùng phát mạnh, ông xã rủ Phúc lên Đà Lạt sinh sống và kinh doanh khách sạn. Sau nhiều lần do dự, cô bỏ mức thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng để đi theo anh, khi đó mới là bạn trai.
“Đó là giai đoạn tôi muốn sống bình yên, không bon chen và biết rằng ông xã có thể đem đến cho mình cảm giác đó. Nếu là người khác, tôi chưa chắc sẽ lựa chọn như vậy”.
Diễm Phúc tổ chức hôn lễ khi con gái được một tuổi. |
Lên Đà Lạt một tháng, Phúc phát hiện có bầu. Cả hai vui mừng và cảm thấy cuộc đời đã cho mình "món quà" vô giá. Tới khi bé Nấm đầy tháng, 2 gia đình mới chính thức gặp mặt. Chuyện cưới xin được bàn bạc lúc em bé 6 tháng tuổi.
Tháng 12/2022, hôn lễ diễn ra tại TP.HCM của Phúc khiến khách mời bất ngờ và xúc động khi bé Nấm ngồi trên ôtô điều khiển tiến vào lễ đường. Ông xã cô cũng không kìm được nước mắt. Trước đó, trừ gia đình, Phúc không tiết lộ về việc mình sinh con.
"Lúc đó, chúng tôi đã đủ trưởng thành để làm vợ, làm chồng và làm cha mẹ", cô nhớ lại.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết nhận xét thực tế, nếu kết hôn khi chưa có đủ trải nghiệm và chưa chuẩn bị tâm thế về tinh thần lẫn vật chất, điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ vì nhiều thứ chưa thể lường trước.
Hoặc trong trường hợp một người còn muốn rong chơi mà đã phải lấy chồng/vợ, họ luôn có sự nuối tiếc và không toàn tâm toàn ý cho cuộc hôn nhân. Ngược lại, khi được tự do và phấn đấu đến độ tuổi nào đó, họ tự thấy cần thay đổi, vun vén cho gia đình.
Dù hiện nay không còn nhiều áp lực về việc “30 tuổi chưa lấy chồng”, bà Tuyết lưu ý sau 35 tuổi, sức dẻo dai của phụ nữ không còn nhiều, nội tiết tố cũng bắt đầu suy giảm. Điều này có thể liên quan đến sức khỏe thể chất của người mẹ khi sinh nở và ảnh hưởng đến con.
“Do đó, nếu thực sự có ý định kết hôn, mỗi người có thể đặt ra một số mục tiêu cơ bản về sự nghiệp, tài chính,... Chúng ta cũng nên suy xét tới việc chênh lệch tuổi tác giữa con cái và cha mẹ. Đây cũng là trở ngại trong việc nuôi dạy, về phương pháp hay sự thích ứng với con”, bà nói.
Với Phúc, bao nhiêu tuổi kết hôn không quan trọng bằng việc vợ chồng yêu thương nhau.
“Mỗi độ tuổi đều có nét đẹp riêng. Ở độ tuổi 20 hay 30 kết hôn đều được, miễn là tự mình thấy hạnh phúc”, cô nói.
Còn với Quỳnh Trang, độ tuổi nên lập gia đình sẽ là thời điểm tự mình phải cảm thấy sẵn sàng. Khi đó, mỗi người xác định rõ điều mình mong muốn để không làm mình đau hay đối phương tổn thương.
“Tôi nghĩ rằng bản thân kết hôn trên 30 tuổi, khi có sự nghiệp, biết rõ mình muốn gì, đủ trải nghiệm về tình yêu, hạnh phúc sẽ vững bền hơn”, Trang chia sẻ.
Theo Zing