Mã chứng khoán của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là QNP. Giá tham chiếu ngày chào sàn là 19.100/ cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa 772 tỷ đồng. Biên độ phiên giao dịch ngày đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu; tổng giá trị chứng khoán niêm yết gần 404,1 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung Bộ, nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000DWT và tàu 50.000 DWT được giảm tải. Đây là đơn vị Cảng được nhiều chủ hàng, chủ tàu trong nước và quốc tế biết đến với năng suất, chất lượng cao, giải phóng tàu nhanh.
Về hoạt động kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, lũy kế năm 2023, công ty CP Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu xấp xỉ 938 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; lãi gộp biên đạt mức 23% doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ; trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 154% lên 112,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 là gần 134 tỷ đồng.
Trong định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Định sẽ tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có.
Thông cáo của công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, với việc “chào sàn” đầu năm 2024, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ chủ động triển khai một chuỗi kế hoạch phát triển, tạo đà bứt tốc để nâng cao chất lượng và quy mô của cảng.
Theo đó, trong chiến lược đầu tư và phát triển, doanh nghiệp sẽ mở rộng Cảng Quy Nhơn tầm nhìn đến năm 2030 (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư lên đến gần 1.567 tỷ, bao gồm các hạng mục: đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện, thiết bị; đầu tư các dự án công nghệ thông tin; đầu tư mới, nâng cấp và sửa chữa hạ tầng, cầu cảng, ICD.
Báo cáo của công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, dự kiến, cảng sẽ có khả năng tiếp nhận hơn 15 triệu tấn hàng thông qua (trong đó hàng container hơn 350.000 TEUs) vào năm 2025; phấn đấu trở thành một cảng biển tổng hợp quốc tế hiện đại, cung cấp dịch vụ cảng biển và logistics chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế và có thể cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời định hình là điểm nối quan trọng cho giao thương biển, đặc biệt là trong chiến lược phát triển kinh tế của các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.
Hồng Nhung