Xiaomi SU7 - mẫu xe điện đầu tiên của tập đoàn điện tử Xiaomi ra mắt vào tháng 3 được cho đối thủ xứng tầm của Tesla khi vượt cột mốc 100.000 chiếc được xuất xưởng chỉ trong 8 tháng. Thế nhưng, mẫu xe điện Trung Quốc gần đây đã vướng phải khá nhiều tai tiếng do lỗi phần mềm. Cụ thể, tính năng đỗ xe tự động của Xiaomi SU7 đã liên tiếp gặp lỗi gây tai nạn.
Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 70 chủ xe phản ánh về vấn đề không mong muốn liên quan đến hệ thống đỗ xe tự động chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, từ chiều 14/11 đến rạng sáng 15/11 trên phạm vi cả Trung Quốc. Mức độ thiệt hại cũng khá đa dạng, từ trầy xước đến bung ba-đờ sốc, vỡ đèn,...
"Đỗ xe tự động" là chức năng mà chiếc SU7 sẽ tự tìm vị trí mục tiêu khi tài xế đến gần vị trí đỗ và thực hiện các thao tác như ga, phanh, đánh lái phù hợp thay cho tài xế. Dù vậy, khi hệ thống này bị lỗi, chiếc xe sẽ không căn được vị trí, thường xuyên đâm vào trụ đỗ xe, lùi vào tường hoặc đâm vào xe khác,...
Một tài xế đã mua xe SU7 vào tháng 5 và gặp tai nạn khi đang lái xe vào ngày 14/11 cho biết, "radar lùi không nhận ra chướng ngại vật trước khi va chạm, báo động va chạm không kêu và sau khi va chạm với chướng ngại vật, chiếc xe vẫn không dừng lại khiến thiệt hại càng nghiêm trọng hơn".
Khi chủ xe này đến trung tâm chăm sóc khách hàng của Xiaomi để kiểm tra, kỹ thuật viên ở đây đã giải thích do lỗi hệ thống đã gây ra sự bất thường trong chức năng đỗ xe tự động dẫn đến tai nạn không đáng có. Chủ xe này đã được Xiaomi bồi thường chi phí sơn sửa, đồng thời trả 1.500 điểm Xiaomi (150 nhân dân tệ, khoảng 525 nghìn đồng) mỗi ngày trong thời gian khách sửa xe.
Một số tài xế khác bị nặng hơn do va chạm với chướng ngại vật hoặc xe khác vì lỗi chức năng đỗ xe tự động cũng đã nhận được đến 10.000 điểm Xiaomi (1.000 nhân dân tệ, khoảng 3,5 triệu đồng) mỗi ngày để bồi thường.
Nhiều chủ xe đã chia sẻ trường hợp của mình trên mạng xã hội và khuyên mọi người ngừng sử dụng tính năng được quảng cáo là "trợ thủ đắc lực" này. Nguy hiểm hơn, cộng đồng sử dụng xe dấy lên nghi vấn về khâu phát triển và kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như phần mềm trước khi tung ra thị trường của thương hiệu Xiaomi.
Liên quan đến vụ việc, nhà sản xuất xác nhận, hệ thống này không phụ thuộc vào mạng viễn thông, do đó nguy cơ SU7 bị kẻ xấu xâm nhập được nhận định là rất thấp. Tuy vậy, hầu hết các chiếc xe SU7 gặp nạn đã được cài đặt bản cập nhật phần mềm từ xa (OTA) 1.4.0 do Xiaomi tung ra trước đó tầm nửa tháng, và đây được cho là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng quy mô lớn.
SU7 là mẫu ô tô sản xuất hàng loạt đầu tiên của Xiaomi Auto - công ty thuộc tập đoàn điện tử nổi tiếng Xiaomi và được chế tạo bởi hãng ô tô Trung Quốc BAIC. Xe được bán ra với 4 biến thể là Tiêu chuẩn, Pro, Max và mới đây nhất là SU7 Ultra - phiên bản sedan thực hiện một vòng đua tại Nurburgring tính đến hiện tại với thành tích 6 phút 46 giây.
Dù có ngoại hình đẹp cùng các thông số kỹ thuật ấn tượng và công nghệ tiên tiến, Xiaomi SU7 lại được định giá khá rẻ để cạnh tranh với Tesla Model 3 tại Trung Quốc, khởi điểm từ 215.900 nhân dân tệ (tương đương khoảng 758 triệu đồng).
Theo MK, CNOS
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!