Theo luật sư, việc lợi dụng hợp đồng giả cách để chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, trước khi ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, một số công dân trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã có đơn tố cáo những người này về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.
Theo hồ sơ PV VietNamNet có được, một số người đã tìm đến các con gái của ông Trần Quí Thanh để vay tiền. Và để được cho vay, họ làm hợp đồng giả cách mua bán cổ phần, để rồi sau đó đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản…
Trong khi đó, phía bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con gái ông Trần Quí Thanh đã ra thông báo phủ nhận các cáo buộc liên quan.
Về loại hình hợp đồng giả cách, trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn từ điều 123 đến điều 129 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, trong đó có trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, được quy định tại điều 124 Bộ Luật dân sự.
Cụ thể: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý, hợp đồng được xác lập về mặt hình thức nhưng không phải là ý chí của các bên, các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký kết, việc ký kết hợp đồng này chỉ để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó của một hợp đồng khác, che giấu bởi một giao dịch khác thì đây là hợp đồng giả tạo (hay còn gọi là hợp đồng giả cách) mà không phải là ý chí thực, nguyện vọng, mục đích, mong muốn thực của các bên khi ký hợp đồng này.
Chính vì vậy, hợp đồng này không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ loại hợp đồng này, hợp đồng này đương nhiên là bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc lợi dụng hợp đồng giả tạo mà một bên nào đó được nhận tài sản, sau đó muốn chiếm đoạt nên không trả lại tài sản nữa, đơn phương công nhận hiệu lực của hợp đồng giả tạo thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng hợp đồng giả tạo như một phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật.
Nhắc đến vụ án Tân Hiệp Phát, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp vì liên quan đến nhiều giao dịch lớn, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều hành vi của các bên liên quan nên CQĐT sẽ thận trọng xem xét làm rõ từng tình tiết của vụ án và đánh giá sự việc một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật để giải quyết đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan theo quy định pháp luật.
Chuyện “bút sa gà chết”
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong thực tế đời sống xã hội, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa các cá nhân với tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau mà các tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng, thường sẽ không thực hiện được biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự là thế chấp tài sản.
Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp bên cho vay tài sản đã yêu cầu bên đi vay phải sang tên bất động sản hoặc sang tên cổ phần doanh nghiệp cho bên cho vay, nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bản chất đây là hình thức thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ).
Nhưng do nhiều yếu tố, việc thế chấp không được thực hiện theo đúng thủ tục nên các bên sử dụng hợp đồng giả cách để đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, với các giao dịch dân sự nêu trên, bên đi vay luôn ở thế yếu, bởi tài sản sang tên cho bên cho vay có giá trị lớn hơn rất nhiều lần giá trị khoản vay. Về mặt hình thức thì việc sang tên đó là một hình thức chuyển quyền sở hữu tài sản.
Nếu có tranh chấp xảy ra mà bên đi vay không chứng minh được đây là hợp đồng giả cách thì có thể bị mất tài sản bởi “bút sa, gà chết”, tài sản đã được sang tên.
3 cha con ông Trần Quí Thanh của Tập đoàn Tân Hiệp Phát bị khởi tố, điều tra về hoạt động cho vay nhưng ký các hợp đồng giả cách mua bán rồi chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân.