Hội nghị diễn ra vào năm Việt Nam là Chủ tịch của APO và Chủ tịch của Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN. Việc chủ trì tổ chức hội nghị thể hiện sự tích cực và chủ động của Việt Nam với vai trò Chủ tịch của hai tổ chức nêu trên, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã đặt các quốc gia trước thách thức của việc phải luôn đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng trạng thái bình thường mới.
Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt giúp các Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế.
Sáng kiến hợp tác giữa ASEAN và APO về năng suất cho phép các bên khai thác các cơ hội mới, lĩnh vực và phương thức hợp tác mới với các chương trình, dự án cụ thể có thể mang lại hiệu quả và tác động lớn, giúp các nền kinh tế thành viên trở nên năng suất hơn, cạnh tranh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức và biến động khó lường của thế giới hiện đại.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN trong việc nâng cao năng suất, ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam với quy mô dân số lớn, đội ngũ lao động cần cù và ưu tú đang trở thành thị trường tiềm năng.
Trong bối cảnh đại dịch, việc cải thiện năng suất trở nên cần thiết hơn lúc nào hết để phát huy các nguồn lực nêu trên. Chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước ASEAN trong lĩnh vực nâng cao năng suất lao động.
Một nội dung quan trọng sẽ được đề cập trong Hội nghị là triển khai sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 về xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN. Đây là một trong 13 sáng kiến đã được các nhà lãnh đạo ASEAN phê duyệt trong năm 2020.
Đại biểu trong nước và nước ngoài sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo bản lộ trình, từ đó tạo cơ hội cho bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các ý tưởng mới, các xu thế phát triển của thế giới và khu vực (như chuyển đổi số, sản xuất thông minh, thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…) nhằm góp phần vào xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Như Sỹ