HTX góp phần xóa đói giảm nghèo

Là một trong những địa phương khó khăn của cả nước, trong những năm qua mô hình HTX nông nghiệp, HTX lâm nghiệp tại khu vực nông thôn đang làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, bằng sự nỗ lực tự thân nhiều HTX đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường, đưa được sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Trần Thế Dũng, trong kế hoạch thực thi 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hà Tĩnh, nhiều phong trào phát triển kinh tế xã hội đang có những bước tiến và hỗ trợ nhau rất tốt. Đơn cử, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với phát triển mới các HTX trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là một ví dụ. Cụ thể, nhằm tiếp tục khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, các HTX tại Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo khi triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025.

htx ha tinh.jpg
Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh kỉ niệm 30 năm ngày thành lập.

Kế hoạch OCOP đặt chỉ tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Để thực hiện chỉ tiêu này, một trong những ưu tiên phát triển của các địa phương là thành lập mới các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, Facebook, Zalo, TiTok...). Đồng thời phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

“Để thực hiện song song các nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định, các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh có vai trò nòng cốt. Qua đó thực hiện được sứ mệnh trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng tỉnh Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh nông thôn mới như kế hoạch đề ra”, ông Trần Thế Dũng kỳ vọng.

Mô hình HTX tại Hà Tĩnh đang đi đúng hướng

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh hiện có 1.040 HTX, 2.851 Tổ hợp tác và 3 Liên hiệp HTX với hơn 91.000 thành viên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng xây nông thôn mới.

Xác định mô hình HTX tại Hà Tĩnh đang đi đúng hướng, ông Trần Thế Dũng phân tích: Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” đang được Hà Tĩnh quán triệt triển khai tới từng người dân. Khác với mô hình HTX trước đây, ngày nay HTX kiểu mới đang góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng xây nông thôn mới. 

Nhiều HTX, Tổ hợp tác đã áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3-4 sao. Các HTX ngày càng phát triển về số lượng và đa dạng hình thức, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX làm ăn hiệu quả, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn.

Được biết, để tiếp tục thúc đẩy việc thành lập mới các HTX trên địa bàn, ngay từ tháng 2/2009, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh đã được thành lập và hoạt động rất hiệu quả. Sau 14 năm đi vào hoạt động, tổng số vốn điều lệ của Quỹ  đạt hơn 39 tỷ, doanh số cho vay gần 100 tỷ; dư nợ cho vay trên 23 tỷ với 164 HTX được tiếp cận vay vốn 267 dự án. Mặc dù số vốn của quỹ còn hạn chế, nhưng Quỹ đã trở thành bệ đỡ cho rất nhiều HTX tại các huyện khó khăn của Hà Tĩnh.

Nam Phương