Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Counterpoint, doanh số điện thoại tại Trung Quốc tăng 11% trong bốn tuần đầu tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

Huawei tăng trưởng 83%, còn Xiaomi tăng 33%. iPhone 15 của Apple bất ngờ “tắt tiếng” khi các đối thủ nội địa tung hoành với hàng loạt sản phẩm đa dạng.

Counterpoint cho biết phần lớn tăng trưởng của Huawei là nhờ dòng Mate 60 mới. “Ông lớn” công nghệ Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi giới thiệu Mate 60 Pro dùng chip 5G sản xuất trong nước.

Con chip cũng xuất hiện trong smartphone gập Mate X5 cải tiến. Counterpoint đánh giá nhu cầu cao đã tạo ra hiệu ứng “halo”, giúp cải thiện doanh số của các mẫu máy Huawei cũ hơn.

ẢNH SMAR.jpeg
Ảnh minh họa

Ngành di động Trung Quốc sa lầy trong cuộc suy thoái kéo dài sau khi xảy ra tình trạng dư thừa hàng tồn kho vì Covid-19. Nhờ đột phá của Huawei, Xiaomi, thị trường smartphone nước này đã tăng trưởng 11% trong tháng 10.

Vài tuần qua, hai nhà thầu sản xuất chip TSMC và Samsung cho biết việc điều chỉnh hàng tồn kho sắp kết thúc và có thể tăng trưởng trở lại.

Hàn Quốc, quê hương của Samsung và SK Hynix, công bố đơn hàng xuất khẩu chip nhớ tháng trước đã tăng lần đầu tiên sau 16 tháng, bổ sung bằng chứng quan trọng về khả năng hồi sinh với các sản phẩm quan trọng nhất của đất nước.

Xuất khẩu chip nhớ tăng 1% so với một năm trước sau khi giảm 18% hồi tháng 9, theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

Dù vậy, vấn đề với các hãng điện thoại Trung Quốc lại đảo ngược khi Huawei phải vật lộn để sản xuất kịp đáp ứng nhu cầu cao bất ngờ, trong khi dòng Xiaomi 14 đã nhận hơn 1 triệu đơn hàng từ khi ra mắt tháng trước.

Thành công của các thương hiệu đại lục đặt ra thách thức đối với Apple, hãng công nghệ giá trị nhất thế giới. Những quý vừa qua, gần 20% doanh thu của “táo khuyết” đến từ Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Wang Yang của Counterpoint, Huawei đang vật lộn để tăng cường sản xuất Mate 60 Pro. Đó là lý do vì sao công ty cho đặt trước smartphone để có thêm thời gian mua hàng từ các nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, tính chất bí mật xoay quanh chip Kirin 9000s trong thiết bị còn khiến chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn. Quy trình cung cấp linh kiện và bộ phận thường mất từ 12 đến 18 tháng trước khi sản phẩm được công bố.

Trong động thái bất thường đối với một sản phẩm đã ra mắt, tuần trước, Huawei giới thiệu chương trình đăng ký dành cho Mate 60 Pro, cam kết thời gian chờ không quá 90 ngày sau khi khách hàng đặt hàng qua website chính thức.

Mỗi khách hàng chỉ có thể mua một máy, còn hàng sẽ được giao ngẫu nhiên trong vòng 90 ngày.

Một số khách hàng tham gia chương trình đã chia sẻ trạng thái đặt hàng trên mạng xã hội Weibo. Theo đó, thời gian giao hàng dao động từ đầu tháng 11 cho đến tháng 2/2024.

Điều này cho thấy Huawei vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do các lệnh cấm vận của Mỹ. Hạn chế về nguồn cung ảnh hưởng đến doanh số hằng ngày của Mate 60 Pro.

Các nhà cung ứng lớn nhất của Huawei cũng đang chạy đua để tuyển dụng công nhân sản xuất Mate 60 pro. Foxconn – nhà thầu điện tử lớn nhất thế giới – vào tháng 9 bắt đầu đưa ra mức thưởng dành cho công nhân dây chuyền Huawei tại Thâm Quyến cao hơn công nhân dây chuyền iPhone tại Trịnh Châu.

Chỉ trong 8 tuần, doanh số Mate 60 Pro 5G (2,5 triệu đơn vị) đã vượt doanh số Mate 50 4G trong bốn tháng (1,8 triệu đơn vị).

Mẫu smartphone 5G gần nhất của Huawei là Mate 40, phát hành tháng 10/2020. Dòng Mate 40 bán được 2,6 triệu đơn vị tại Trung Quốc trong bốn tháng. Counterpoint dự đoán Mate 60 có thể cán mốc 4 triệu đơn vị trong cùng kỳ.

(Theo Bloomberg, SCMP)