Huawei vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022, trong đó doanh thu tăng 0,9%, cho thấy đã phần nào ổn định sau khi dính hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 2019. Dù vậy, lợi nhuận ròng chỉ đạt 35,6 tỷ NDT (5,18 tỷ USD), giảm khoảng 2/3 so với năm 2021.

Huawei gặp nhiều khó khăn trước các lệnh cấm vận từ Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Huawei nói về giai đoạn bị đẩy vào “tình thế bế tắc chết người” và phải “chiến đấu theo cách riêng” từ khi bị Mỹ hạn chế nguồn cung chip và công cụ thiết kế chip.

Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi – gọi 2022 là năm mà họ đã thoát ra khỏi “chế độ khủng hoảng”. “Chúng tôi đã quay lại kinh doanh như bình thường”, bà khẳng định.

Mỹ gọi Huawei là rủi ro an ninh quốc gia, điều mà công ty Trung Quốc liên tục phủ nhận. Căng thẳng tiếp tục tăng sau khi bà Mạnh bị giữ lại Canada trong 3 năm với cáo buộc cố gắng che đậy cho các công ty liên kết với Huawei bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Những lời buộc tội chống lại bà Mạnh bị bác bỏ và bà quay lại quê hương năm 2021. Huawei thay đổi chủ tịch mỗi 6 tháng. Từ ngày 1/4, người tiếp theo giữ chức vụ này là bà Mạnh.

Theo Huawei, chi phí R&D trong năm 2022 tăng 13,2% lên 161,5 tỷ NDT (23,5 tỷ USD), tương đương với doanh thu một quý của hãng. Khoản chi lớn như vậy giúp họ có thể thay thế các linh kiện bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Mỹ. Hồi tháng 2, ông Nhậm Chính Phi chia sẻ họ đã thay hơn 13.000 bộ phận.

Chủ tịch Eric Xu nói Huawei nhìn thấy cơ hội ở các lĩnh vực như phát triển xanh. Công ty cũng đang đầu tư vào công nghệ 5.5G và 6G với hi vọng bắt đầu triển khai 5.5G vào năm 2025. Khi được hỏi về các đột phá trong công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) cho chip 14nm trở lên, ông cho biết họ đã đạt được thành tựu này cùng với các đối tác. Điều đó đồng nghĩa Huawei từ nay có thể sử dụng công cụ EDA riêng để thiết kế chip.

Cũng như Huawei, ngành công nghiệp chip Trung Quốc là mục tiêu của các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Huawei sẽ hỗ trợ các nỗ lực của ngành để trở nên tự chủ hơn. “Tôi tin rằng ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà nỗ lực tự lực và tự củng cố sức mạnh”, ông phát biểu trong họp báo.

Ông Xu tin rằng các lệnh cấm của Mỹ sẽ thúc đẩy, thay vì cản trở ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Ông tin tưởng bán dẫn Trung Quốc sẽ “tái sinh” từ các lệnh cấm và trở nên hùng mạnh.

(Theo CNBC, Reuters)