Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 106 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhằm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, ngày 2/12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, các địa phương đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, mô hình thôn thông minh, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động lựa chọn thôn Tiên Quán triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Thôn đã thành lập Tổ công nghệ số gồm 20 người, chia thành 4 nhóm. Các nhóm bố trí thời gian linh hoạt, đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và kích hoạt nhóm Zalo của thôn và cài đặt một số ứng dụng công nghệ phổ biến hiện nay như thanh toán trực tuyến, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, xã thực hiện lắp đặt 10 camera giám sát an ninh tại các tuyến đường trục thôn.
Tương tự, tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá.
Ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, năm 2021, xã xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn An Dân. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã triển khai nhân rộng mô hình trong toàn xã.
Tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, các điểm công cộng, xã lắp đặt hoặc xã hội hoá mạng wifi miễn phí phục nhu cầu của người dân. Vừa qua, xã trích kinh phí gần 1 tỷ đồng đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh tới các thôn, giúp truyền tải thông tin, văn bản, chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn.
Chính quyền xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và phục vụ người dân trong xã tốt hơn. Đến nay, 100% các văn bản, công việc của xã được xử lý trên môi trường mạng, ứng dụng Internet; 7/7 khu dân cư lắp đặt 133 camera giám sát an ninh…
Để xây dựng nông thôn mới thông minh, các địa phương cũng đang chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả.
Theo ông Đỗ Hữu Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên Khóa XIX, nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên tiếp tục có nhiều khởi sắc mới trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, cơ giới hoá, kinh tế hợp tác, phát triển nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản được chỉ đạo thực hiện hoàn thành và nhiều chỉ tiêu vượt mức so mục tiêu của nghị quyết.
Theo đó, Hưng Yên đã tổ chức triển khai việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc...
Gắn kết thực hiện việc chuyển đổi số với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAP, theo hướng an toàn sinh học…