Chiều 16/7 tại Gia Lai diễn ra lễ công bố xuất khẩu chanh leo sang EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Đây là lô chanh leo đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu hưởng thuế suất 0% sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT phát đi, ngành rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand....

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Đây cũng là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực. Bởi, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Theo Bộ NN-PTNT, đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu Rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

{keywords}
Quả chanh leo Việt Nam đang có nhiều lợi thế tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi

Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước, và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ NN-PTNT cho biết, chanh leo là một trong những loại trái cây được thị trường EU rất quan tâm. Trên thị trường thế giới, chanh leo cũng là loại trái cây có nhu cầu cao.

Ở Việt Nam, loại quả này đã được du nhập từ những năm 90, thích nghi tốt và dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện Chanh leo được trồng rộng rãi tại nhiều tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La,...

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng về chanh leo và các sản phẩm chế biến từ chanh leo trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Do đó, tiềm năng xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam còn rất lớn.

Từ 2015-2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95.000 tấn quả tươi/năm (2015) lên 300.000 tấn quả tươi (2018) và kim ngạch từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador, …

Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao (trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu) và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây (tăng hơn 50% so với 2018). Sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4  triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ 2019.  

Trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, chanh leo là thực phẩm được ưa chuộng tại các quốc gia phát triển nhờ hương vị độc đáo và nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hồng Kông, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ,… ; Bộ NN-PTNT đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, …

Bộ NN-PTNT cũng mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội, lợi thế tại thị trường EU, tiếp tục cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU.

Sau lô chanh leo, 17/9, dừa tươi của Việt Nam cũng theo đường tàu biển và một lô hàng thanh long 3 tấn đi đường hàng không sang châu Âu. Trước đó, quả bưởi đặc sản của Việt Nam cũng được xuất khẩu sang thị trường này, hưởng thuế suất 0% theo cam kết EVFTA.

Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang EU cho biết, việc giảm thuế theo EVFTA giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu. Theo đó, các nhà nhập khẩu của EU cũng gia tăng nhu cầu đối với trái cây Việt Nam.

“Có khá nhiều nhà nhập khẩu của EU đã liên hệ với chúng tôi đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Nhưng do đang trong thời kỳ dịch bệnh, việc thanh toán không được thuận lợi như trước kia, nên công ty cũng phải chọn lọc khách hàng”, vị đại diện này chia sẻ.

Hải Băng