Trang bị cho người dân kiến thức và cách thức làm ăn được xác định là cách tốt nhất để thoát nghèo bền vững, bên cạnh hỗ trợ sinh kế. Bởi vậy, xã Sơn Hàm, Kim Hoa và nhiều xã ở huyện Hương Sơn đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện mở nhiều lớp đào tạo nghề như nghề may, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi… cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhiều người trong số đó đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Xã Kim Hoa có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao so với mặt bằng chung toàn huyện. Đáng nói, hộ nghèo, cận nghèo ở xã Kim Hoa chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng người cao tuổi, việc lựa chọn các giải pháp giảm nghèo bền vững ở xã cũng có phần khác biệt.
Chăn nuôi gà là một trong những mô hình giảm nghèo bền vững được lựa chọn để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Kim Hoa. Để trao mô hình này, các hộ nghèo sẽ phải trải qua đào tạo kỹ năng, trang bị kiến thức rồi mới được hỗ trợ con giống. Mỗi mô hình gà được trao trị giá 1 triệu đồng bao gồm cả con giống, thức ăn, thuốc thú y...
Sự vào cuộc của toàn xã Kim Hoa đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,99% cuối năm 2023; tỷ lệ hộ cận nghèo về mức 4,34% cuối năm 2023. Dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Kim Hoa chỉ còn 3,56%, cận nghèo 4,18%.
Tại xã Sơn Hồng, ngày 6/9, xã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn tổ chức khai giảng lớp học chăn nuôi gà cho 35 học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia lớp học, các học viên được giáo viên hướng dẫn xây dựng chuồng trại đảm bảo đông ấm, hè thoáng; cách phòng, chữa các loại bệnh thông thường; kỹ thuật chăm sóc gà đạt năng suất hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Công Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Sơn, sau thời gian học lý thuyết, ban tổ chức lớp học sẽ nhập về 240 - 300 gà ri (độ 3-5 ngày tuổi) từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nuôi thử ở 2 chuồng của 2 học viên trong lớp học. Kết thúc khóa học trong khoảng thời gian 2 tháng, đàn gà phải đảm bảo đạt trọng lượng từ 1kg - 1,2kg/con.
Tương tự, ở xã Sơn Ninh, cuối tháng 8, chính quyền xã đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn tổ chức khai giảng lớp dạy nghề chăn nuôi gà năm 2024. Trong thời gian 2 tháng, 35 học viên là nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp thu nội dung về điều kiện chăn nuôi, giống, thức ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc gà thịt, gà sinh sản, gà thả vườn; cách phòng và trị bệnh cho gà, cách làm đệm lót sinh học, bảo đảm môi trường chăn nuôi…
Trong quá trình học, các học viên sẽ được tham quan một số mô hình chăn nuôi hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành. Đảm bảo sau khi khóa học kết thúc, học viên có thể thực hiện thành thạo quy trình chăn nuôi các loại gà như gà thịt, gà sinh sản, gà thả vườn và tổ chức ấp trứng đúng quy trình kỹ thuật, đạt hiệu quả cao; đồng thời chẩn đoán và đưa ra được biện pháp phòng trị các bệnh cho gà.
Là xã thuần nông, ở Sơn Ninh phần lớn các hộ dân đều phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó có trên 70% hộ dân chăn nuôi gà. Vì vậy, việc tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi gà không chỉ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã Sơn Ninh tăng lên gần 78% mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tiêu chí giảm nghèo bền vững.
Ngoài đào tạo chăn nuôi và trồng trọt, huyện Hương Sơn còn chú trọng trang bị kỹ năng cho người nghèo ở các ngành nghề khác.
Ở xã Sơn Tiến, với lớp may công nghiệp, học viên là các hộ nghèo sẽ học trong thời gian 3 tháng. Các học viên sẽ được đào tạo sử dụng thành thạo các thiết bị, dụng cụ phụ trợ trên dây chuyền may công nghiệp như máy may bằng một kim, hai kim; máy vắt sổ; máy thùa khuyết; máy đính cúc… Sau đào tạo, các học viên có khả năng làm việc độc lập trên các công đoạn lắp ráp áo sơ mi, quần âu; thực hiện biện pháp an toàn và vệ sinh công nghiệp trong sản xuất.
Đối với lớp học nghề sản xuất phân bón hữu cơ từ rác, chất thải sinh hoạt, trong thời gian 1 tháng, các học viên được hướng dẫn và tìm hiểu về vai trò của chất hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp; các loại phân bón hữu cơ thường sử dụng trong nông nghiệp. Học viên còn được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất phân hữu cơ từ rác, chất thải sinh hoạt; kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà.
Việc tổ chức lớp đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo ở Hương Sơn góp phần phát triển dần nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết nối cung - cầu lao động. Đây cũng là giải pháp giải quyết việc làm cho người nghèo thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.