Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Chính phủ, các bộ/ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước đang rất trăn trở, quyết liệt tìm các giải pháp để doanh nghiệp tồn tại được, vượt qua giai đoạn khó khăn này thì mới có công ăn việc làm cho người lao động. Qua đó, giữ được ổn định xã hội.

Theo Phó Thống đốc, thới gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa những công cụ để giữ ổn định cho nền kinh tế. Ví dụ như đảm bảo thanh khoản ổn định trên thị trường liên ngân hàng; quản lý tốt quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo ổn định tỷ giá. Đảm bảo điều hòa, cân đối, giải quyết tốt cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên cơ sở tiết giảm tối đa chi phí hoạt động.

“Tất nhiên giảm lãi suất có hai mặt. Làm sao phải hài hòa chứ không thể chỉ lo giải quyết các vấn trước mắt mà đánh đổi hậu quả trong trung/dài hạn. Thậm chí có cái chữa được, có cái không chữa được, hậu quả vô cùng lớn. Chẳng hạn như nợ xấu giai đoạn 2011-2012 kéo dài đến tận bây giờ, mà phải cần cả Nghị quyết 42 để xử lý”, ông Tú cho biết.

lai-suat.jpg
Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên. 

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tín dụng. Hiện nay, tín dụng cho bất động sản vẫn đang chiếm tỷ trọng cao.

“Tới đây, thông qua cơ chế, chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ định hướng tín dụng vào một số lĩnh vực chính gồm tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm; từ đó hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và nhà nước”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Cuối cùng, Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện những cơ chế, chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tín dụng toàn hệ thống tăng 4,73%

Tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 4,73%, bằng 1/3 kế hoạch. Ngân hàng Nhà nước cho biết song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, nơi này điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. 

Mục tiêu nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

"Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Song song với việc nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc tổ chức triển khai có hiệu quả chỉ thị 01 của thống đốc về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.

Bên cạnh đó tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. 

Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính. Đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động…

"Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. 

Đồng thời theo dõi, rà soát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống những tháng cuối năm để có giải pháp điều hành phù hợp", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV